Trịnh Sâm

Trịnh Sâm[1] (chữ Hán: 鄭森, 9 tháng 2 năm 1739 – 13 tháng 9 năm 1782), thụy hiệu Thánh Tổ Thịnh vương (聖祖盛王), là vị chúa thứ 8 của vương tộc Trịnh cầm quyền ở miền Bắc Đại Việt thời nhà Lê trung hưng. Ông nắm quyền cai trị từ năm 1767 đến khi qua đời năm 1782.


Trịnh Sâm chào đời và lớn lên trong hoàn cảnh cơ đồ của họ Trịnh đang bị lung lay dữ dội do những cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi vùng đồng bắc Bắc Bộ. Phụ thân của ông, Nghị Tổ Ân vương Trịnh Doanh đã phải dùng hơn 10 năm mới có thể tạm ổn định được tình hình. Bởi vì thế sự gian nan, vị thế tử Trịnh Sâm ngay từ nhỏ đã được cho ăn học tử tế với kỳ vọng có thể giúp họ Trịnh khôi phục được giai đoạn huy hoàng xưa kia, vì thế mà ông được rèn luyện đức tính thông minh, quả quyết và đôi khi có phần tàn nhẫn. Năm 1753, ông được sách phong Thế tử, đến năm 1758 thì được mở phủ đệ riêng, giúp chúa Trịnh xét đoán các công việc của nhà nước. Năm 1767, sau khi Trịnh Doanh qua đời, ông chính thức lên nối ngôi Chúa.


Trong những năm đầu cai trị, ông chính thức hoàn thành công cuộc đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân còn dang dở dưới thời chúa cha, bên trong thì sửa sang nền chính trị, trọng dụng nhân tài, xây dựng quân đội hùng mạnh. Bởi thế đến năm 1774, nhân tình hình miền nam bất ổn do có cuộc nổi dậy của Tây Sơn, ông đã chớp lấy thời cơ thu phục đất Thuận Hóa là kinh đô của họ Nguyễn, giúp lãnh thổ Đàng Ngoài mở rộng cực đại kể từ khi cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn nổ ra đầu thế kỉ XVII.


Tuy nhiên sau những thành công ban đầu, Chúa Trịnh Sâm dần trở nên tự mãn, kiêu căng, ngày càng sa vào tửu sắc, xa rời thực tế, khiến nền chính trị suy bại, cuộc sống người dân trở nên cơ cực. Ông sủng ái người vợ thứ là Tuyên phi Đặng Thị Huệ cùng Huy quận công Hoàng Đình Bảo dẫn đến một cuộc xung đột tai tiếng trong gia tộc họ Trịnh giữa con lớn là Thế tử Trịnh Tông với phe quận Huy và Thị Huệ. Vụ án năm Canh Tý nổ ra năm 1780 dẫn đến sự thất thế của Trịnh Tông và quận Huy trở thành người nắm quyền trong chính phủ trong lúc sức khỏe của Trịnh Sâm ngày càng suy yếu; còn ở miền nam, thế lực nhà Tây Sơn đã lớn mạnh và trở thành một mối đe dọa cho cơ đồ nhà Lê - Trịnh. Ông qua đời năm 1782, 5 năm trước khi họ Trịnh bị mất nước do bão táp của phong trào Tây Sơn. Ngôi Chúa được truyền cho người con nhỏ là Trịnh Cán, mới lên 6 tuổi. 


Nguồn: wikipedia