Chu Văn An

Chu Văn An 朱文安 (1292-1370) tự Linh Triệt 靈澤, hiệu Tiều Ẩn 樵隱, tên thuỵ là Văn Trinh 文貞. Tên thật của Chu Văn An vốn là Chu An, được phong tước Văn Trinh công nên đời sau quen gọi là Chu Văn An. Ông người làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Ðàm, nay là huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Sau khi thi đậu thái học sinh, Chu Văn An không ra làm quan, chỉ ở nhà dạy học. Học trò theo học rất đông. Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát đều là học trò ông.


Năm Khai Thái đời Trần Minh Tông ông mới nhận chức Quốc Tử Giám tư nghiệp, dạy cho thái tử học. Ðời Trần Dụ Tông (1341-1369), nhà vua mải mê chơi bời, bỏ bê việc nước, bọn quyền thần thì lộng quyền, hà khắc, tham nhũng, Chu Văn An bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, nhưng vua không nghe. Ông xin từ chức, lui về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, làng Kiệt Ðặc, huyện Chí Linh. Ông mất năm Thiệu Khánh thứ nhất đời Trần Nghệ Tông (1370), được vua làm lễ tế và đặt tên thuỵ là Văn Trinh.


Tác phẩm của ông có Thất trảm sớ, Tiều Ẩn thi tập, Tiều Ẩn quốc ngữ thi tập, Tứ thư thuyết ước, nhưng cho đến nay mới chỉ tìm được 12 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục.

Nguồn: thivien