Văn Phụng


  The Sound of Piano / Tiếng Dương Cầm - Văn Phụng
      Performed by Thái Thanh

  Lustrous Stream of Hair / Suối Tóc - Văn Phụng
      Performed by Mai Hương


Văn Phụng (tên đầy đủ: Nguyễn Văn Phụng, 1930 – 1999) là một trong những nhạc sĩ sáng tác ca khúc tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam. Hoạt động nghệ thuật của ông tại Việt Nam trước sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 trải dài từ trước năm 1954 trong thời kỳ của dòng nhạc tiền chiến. Trong vai tròn một nhạc sĩ hòa âm, Văn Phụng được xem như một trong những nhạc sĩ hòa âm xuất sắc của miền Nam Việt Nam. 


Năm 1948 cũng là năm Văn Phụng sáng tác ca khúc đầu tay Ô mê ly trong một lần vui đùa ca hát cùng bạn bè trong ban Quân Nhạc.[2] Ông thường trình diễn nhạc phẩm này tại những vũ trường ở Hà Nội. Bài hát đã được hoan nghênh đón nhận và kể từ đó tên tuổi Văn Phụng được giới yêu nhạc chú ý. Về sau Ô mê ly còn nổi tiếng cùng tiếng hát nhóm bạn thân[1] của ông là ban hợp ca Thăng Long với Thái Thanh, Phạm Đình Chương. Những năm thập niên 2000, ca sĩ Ánh Tuyết cũng thường trình diễn nhạc phẩm này.


Cuối năm 1954, Văn Phụng di cư vào Nam và trở thành nhạc trưởng của Đài Phát thanh Quân đội thuộc Nha Chiến tranh Tâm lý Việt Nam Cộng hòa, đồng thời phụ trách chương trình ca nhạc trên Đài Phát thanh Sài Gòn.


Văn Phụng đã sáng tác trên sáu mươi ca khúc, trong số đó có rất nhiều nhạc phẩm đặc sắc như: Bức họa đồng quê, Trăng sơn cước, Yêu, Tôi đi giữa hoàng hôn, Mưa, Tiếng dương cầm, Giấc mộng viễn du, Tình,... Những bài như Suối tóc hay Mưa trên phím ngà là do ông viết riêng tặng ca sĩ Châu Hà.[1]


Dù được xem như là một trong số các nhạc sĩ theo trường phái nhạc cổ điển Tây phương nhưng Văn Phụng cũng viết những bản nhạc âm hưởng dân ca như Trăng sáng vườn chè (phổ thơ Nguyễn Bính), Các anh đi (thơ Hoàng Trung Thông), Đêm buồn (lấy ý ca dao), Nhớ bến Đà Giang,... Ông còn hòa âm cho nhiều băng đĩa nhạc và được xem như một trong những nhạc sĩ hòa âm xuất sắc nhất của Sài Gòn trước năm 1975 cùng với Nghiêm Phú Phi, Lê Văn Thiện và Y Vân.


Năm 1978, gia đình Văn Phụng vượt biển đến Malaysia. Sau 5 đến 6 tháng ở đây, gia đình ông qua định cư tại California, Hoa Kỳ. 

Năm 1994, Trung tâm Thúy Nga thực hiện băng Paris By Night 27: Văn Phụng – Tiếng hát với cung đàn để vinh danh các tác phẩm của ông.