Hữu cú vô cú 有句無句


Trần Nhân Tông

Hữu cú vô cú,

Đằng khô thụ đảo.

Kỷ cá nạp tăng,

Chàng đầu hạp não,


Hữu cú vô cú,

Thể lộ kim phong.

Căng già sa số.

Phạm nhẫn thương phong.


Hữu cú vô cú

Lập tông lập chỉ.

Đả ngoã toàn quy,

Đăng sơn thiệp thuỷ.


Hữu cú vô cú,

Phi hữu phi vô.

Khắc chu cầu kiếm,

Sách ký án đồ.


Hữu cú vô cú,

Hỗ bất hồi hỗ.

Lạp tuyết hài hoa,

Thủ chu đãi thố.


Hữu cú vô cú,

Tự cổ tự kim.

Chấp chỉ vong nguyệt,

Bình địa lục trầm.


Hữu cú vô cú,

Như thị như thị.

Bát tự đả khai,

Toàn vô ba tị.


Hữu cú vô cú,

Cố tả cố hữu.

A thích thích địa,

Náo quát quát địa.


Hữu cú vô cú,

Điêu điêu đát đát.

Tiệt đoạn cát đằng,

Bỉ thử khoái hoạt.


Hữu-vô (có-không) là cuộc tranh luận kéo dài về giáo thuyết. Phật giáo Tiểu thừa khác Phật giáo Đại thừa về thuyết “Hữu và vô”. Phật giáo Tiểu thừa chủ trương “hữu luận” hay “chấp hữu”, cho rằng vạn pháp vô thường (luôn chuyển động, biến đổi, nhưng vẫn Có một cách tương đối, chứ không thể nói là Không được. Phật giáo Đại thừa chủ trương “không luận” hay “chấp không” cho rằng vạn pháp tuy Có nhưng thực ra là Không vì vạn pháp không có thực tướng “cái gọi là Không thì cũng Không nốt”, trong nội bộ từng “thừa” lại có cuộc luận bàn về thuật ngữ Hữu, Vô, Sắc, Không.

Câu hữu câu vô,

Dây khô cây đổ.

Mấy gã thầy tăng,

Dập đầu trán vỡ.


Câu hữu câu vô,

Gió vàng thể lộ.

Vô số cát sông,

Kiếm đâm dao bổ.


Câu hữu câu vô,

Lập chỉ lập tông.

Dùi rùa đập ngói,

Trèo núi lội sông.


Câu hữu câu vô,

Chẳng vô chẳng hữu.

Khắc thuyền tìm gươm,

So tranh tìm ngựa.


Câu hữu câu vô,

Tác động lại qua.

Ôm cây đợi thỏ,

Nón tuyết hài hoa.


Câu hữu câu vô,

Dù nay dù xưa.

Quên trăng ngắm ngón,

Chết đuối trên bờ.


Câu hữu câu vô,

Là thế là thế.

Tám chữ mở ra,

Không còn khó nghĩ.


Câu hữu câu vô,

Ngó phải ngó trái.

Thuyết lý ồn ào,

Liến láu tranh cãi.


Câu hữu câu vô,

Rầu rầu rĩ rĩ.

Cắt đứt sắn bìm,

Đó đây vui vẻ.


Bản dịch của Trần Thị Băng Thanh