Bóng đè cô đầu
Nguyễn Khuyến
Mưỡu:
Bóng người ta nghĩ bóng ta,
Bóng ta, sao lại hoá ra bóng người?
Tỉnh tinh rồi mới nực cười.
Giấc hồ ai khéo vẽ vời cho nên?
Nói:
Cô đào Sen là người Thi Liệu, (1)
Cớ làm sao õng ẹo với làng nho?
Bóng đâu mà bóng đè cô?
Bỗng thấy sự nhỏ to thêm thắc mắc.
Cố hữu diệc vi thân ngoại vật,
Toán lai đô thị mộng trung nhân. (2)
Sực tỉnh ra nào biết chuyện xa gần,
Còn văng vẳng tiếng đàn lần tiếng trống.
Quân bất kiến: Thiên Thai động khẩu cần tương tống, (3)
Dẫu bóng ta, ta bóng có làm sao.
Thực người hay giấc chiêm bao?
(1) Thi Liệu: Một làng ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trên bờ sông Vị Hoàng, có nhiều người làm nghề hát ả đào.
(2) Ở đời, phàm những cái gì ta có đều là vật ngoài thân cả; Ngẫm lại, người đời đều ở trong giấc mộng cả.
(3) Ngươi chẳng thấy ở cửa động Thiên Thai ân cần tiễn đưa nhau.
Theo các cố lão làng Yên Đổ, một hôm Dương Khuê đến chơi nhà Nguyễn Khuyến, Nguyễn Khuyến lại mời đến chơi nhà người anh rể Nguyễn Chính. Nhân đó, ông Chính gọi cô đào Sen đến hát. Cô Sen ngủ ở nhà dưới, bị người chòng ghẹo. Cô Sen kêu lên, Nguyễn Khuyến nghe tiếng hỏi cô Sen thì anh kép chống chế nói là cô ấy bị bóng đè. Nguyễn Khuyến biết ý, làm đùa bài hát này và bảo cô Sen hát ngay lúc đó.