Gia Cát Vũ Hầu miếu 諸葛武侯廟
Ngô Thì Nhậm
Nhân long hoá khứ hiện thần long,
Tiễu thạch lâm lưu miện Hán Trung.
Bắc hướng trầm cơ khu nhạn trận,
Đông thôn di nộ dịch đồn phong.
Đỉnh phân vô lực tranh thương hiệu,
Miếu tự hà tâm ỷ bích không.
Tùng bách y hi khuynh cái nhật,
Hành dương thu thuỷ chiếu cô trung.
諸葛武侯廟
人龍化去現神龍,
峭石臨流眄漢中。
北向沉機驅雁陣,
東吞餘怒役盹風。
鼎分無力爭蒼昊,
廟祀何心倚碧空。
松柏依稀傾蓋日,
衡陽秋水照孤忠。
Miếu thờ Khổng Minh Gia Cát Lượng ở Hồi Nhạn Phong, bên tả ngạn sông Tương, thuộc phủ Hành Dương, tỉnh Hồ Nam
“Rồng người” chết, hoá thành “rồng thần”,
Vách đá kề dòng, nhìn về Hán Trung.
Đánh Bắc Nguỵ, mưu sâu duổi trận nhạn,
Nuốt Đông Ngô, thừa giận nổi gió to.
Thế chân vạc, tranh với trời xanh không đủ sức,
Ngôi miếu thờ, lòng nào muốn dựa tầng không!
Tùng bách vẫn như xưa, ngày ngày nghiêng lọng,
Nước thu Hành Dương vẫn soi dạ cô trung!
Bản dịch của Nguyễn Sĩ Lâm
Người rồng đã thác, hiện thần rồng,
Núi đứng kề sông, ngóng Hán Trung.
Nhạn sắp trận kia dong đất bắc,
Heo phun gió nọ cuốn miền đông.
Trời chia chân vạc khôn tranh sức,
Đền ngất tầng mây há tưởng lòng.
Xe đỗ bóng tùng trông phảng phất,
Hành dương nước giãi tấm cô trung.
Lời tự: Bài Đằng Vương các tự của Vương Bột có câu “Ngư chu xướng vãn, hưởng cùng Bành Lãi chi tân; Nhạn trận kinh hàn, thanh đoạn Hành Dương chi phố” 漁舟唱晚,響窮彭蠡之津;雁陣驚寒,聲斷衡陽之浦 (Thuyền câu hát dưới ánh tà dương, tiếng vọng khắp bờ Bành Lãi; Đàn nhạn sợ rét, tiếng thẳng thốt bến Hành Dương). Vương Khâm Nhược có câu thơ “Long đới vãn yên ly động phủ, Nhạn đà thu sắc nhập Hành Dương” 龍帶晚煙離洞府,雁拖秋色入衡陽 (Rồng đem mây chiều rời động phủ, Nhạn kéo sắc thu tới Hành Dương). Sông Tiêu, Tương hợp lại đổ về hồ [Động Đình]. Hành Dương ở phía nam hồ. Núi Sở, Việt vòng quanh; dòng Tiêu, Tương vây lấy. Đúng lúc ấy, ông chài hát dưới tà dương, tiếng véo von bến nước; rồng về hang thẳm, cảnh mây khói mịt mùng, sắc thu Động Đình, Tiêu Tương trong suốt, cùng đỉnh Hồi Nhạn ở Hành Dương, xa xa phản chiếu. Một bầu cảnh vật: cá, rồng, nhạn đều có thể xứng với ba cảnh tuyệt vời. Nhưng nay thuyền sứ đi đến, lại gặp buổi mưa rào cuối xuân, nước lũ tràn lan, nhạn sang phương bắc chưa về, rồng cũng lướt theo mây, thuyền câu ẩn lên đá, chẳng nghe tiếng sáo thuở nào, chỉ thấy lâu đài nơi bến xa, cái nọ cái kia xếp liền tựa cánh ve. Thưởng ngoạn cảnh phồn hoa, bỗng muốn ra khỏi cảnh ồn ào mà vào nơi thanh nhã. Chợt nghĩ đến cảnh lá ngô đồng lay động trước gió thu, “Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc” (Ráng chiều cò trắng cùng bay, sông thu với trời xa một sắc). Bầy nhạn từ nam đến, đùa rỡn đầu mây. Đến lúc ấy, há không thoả lòng say ngắm! Giả sử được lên Bồng Lai tiên cảnh, ra khỏi cối trần mà tiêu dao và du ngoạn, cũng chẳng hơn được cảnh Hành Dương. Nhà thơ khởi hứng làm thơ mà về, lại thấy cảnh thu hiện ra. Đúng mùa thu là chủ nhân ở Hành Dương này vậy. Thực càng thấy rõ điều thú vị trong trước tác của người xưa.
Nguồn: Ngô Thì Nhậm toàn tập (tập III), NXB Khoa học xã hội, 2005