Lương Thế Vinh


Tòng giá tây chinh phụng hoạ ngự chế “Tư gia tướng sĩ”

Triệu Trung miếu 趙忠廟 • Miếu thờ Triệu Trung


Lương Thế Vinh (chữ Hán: 梁世榮; 17 tháng 8 năm 1441 – 2 tháng 10 năm 1496, tên hiệu là Thụy Hiên) là một nhà toán học, nhà thơ và học giả người Việt Nam. Sinh ra tại huyện Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản), tỉnh Nam Định, ông đỗ trạng nguyên và làm Sái phu trong Hội Tao Đàn dưới thời vua Lê Thánh Tông. Ông nổi tiếng là thần đồng, học rộng, tài trí khoáng đạt, được vua và dân coi trọng và được mệnh danh là "Trạng Lường". Hai tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp của ông là Đại thành Toán pháp (biên soạn về toán học) và Hý phường phả lục (khảo cứu về hát chèo).  Biệt danh: Trạng Lường


Lúc còn nhỏ, Lương Thế Vinh đã nổi tiếng là thần đồng thông minh, nhanh trí. Ông học mau thuộc, mau hiểu mà chơi cũng rất tài tình (thích thả diều, câu cá, bẫy chim cùng các bạn trẻ chăn trâu). Lớn lên, ông học ngày càng giỏi và có phương pháp, vừa học vừa lao động, vui chơi giải trí. Ông học sâu hiểu rộng, nhưng có thời gian thì vẫn thả diều thổi sáo, xem chèo thoải mái. Lúc vui chơi, ông còn nảy ra ý tưởng đo lường các đồ vật xung quanh mình, như chiều dài-chiều cao cây diều, chiều sâu ao hồ, chiều rộng sông ngòi, đo bóng cây và chiều dài của cây

Năm 1463, tức năm 23 tuổi, Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4, đời Lê Thánh Tông; trong khi Nguyễn Đức Trinh và Quách Đình Bảo lần lượt đỗ Thám hoa và Bảng nhãn.[3][4][5] Ông có tổng cộng 32 năm làm quan, từng được thăng đến chức Hàn lâm Thị thư chưởng Hàn lâm viện sự (đứng đầu Viện hàn lâm). Ngoài ra, Lương Thế Vinh còn được vua tín nhiệm giao trọng trách soạn thảo văn từ bang giao và đón tiếp sứ thần nước ngoài. Nhiều bài biểu do ông soạn gửi cho nhà Minh được vua Minh chấp thuận và khen ngợi.[4]


Bên cạnh công việc làm quan, Lương Thế Vinh cũng đi dạy học tại ở Quốc tử giám, Sùng văn quán và Tú lâm cục (những trường cao cấp thời bấy giờ đào tạo nhân tài cho đất nước). Một số học trò của ông đỗ đạt cao như Nguyễn Tất Đại (người Thái Bình, đỗ Tiến sĩ năm 1949), Trần Bích Hoành (người Nam Định, đỗ Thám hoa năm 1847), Trần Xuân Vinh (người Nam Định, đỗ Tiến sĩ) và Lương Đắc Bằng (người Thanh Hóa, đỗ Bảng nhãn năm 1499). Cá nhân Lương Đắc Bằng về sau trở thành thầy dạy học của Nguyễn Bỉnh Khiêm.[6] 


Sự nghiệp văn chương và biên soạn

Không chỉ dạy toán ở Tú lâm cục, ông còn giữ chức Cấp sự trung khoa công (chức quan chuyên khảo sát việc tạo tác các công trình như cung điện, đền đài, thành quách, đường sá, đê điều...) Vì chuyên môn cần đến toán học, ông đã tiến hành biên soạn hai cuốn sách đề tài toán học là Đại thành Toán pháp (cuốn sách giáo khoa toán đầu tiên của Việt Nam) và Khải minh Toán học.[7][8][9] Thời bấy giờ, công cụ tính toán ở Đại Việt còn thô sơ, nghèo nàn (chủ yếu là bấm đốt ngón tay hoặc dùng sợi dây có nút thắt để đếm). Do đó Lương Thế Vinh đã chế ra bàn tính gẩy - chiếc bàn tính đầu tiên của Việt Nam. Lúc đầu ông nặn những hòn bi bằng đất có khoan lỗ ở giữa, xâu vào một cái đũi, các xâu buộc cạnh nhau thành một bàn tính. Về sau ông cải tiến dần những "viên tính" bằng đất thành những đốt trúc ngắn, rồi cho những viên tính bằng gỗ sơn màu khác nhau để dễ tính, dễ nhớ.[9]


Ngoài ra, Lương Thế Vinh còn là người am hiểu sâu sắc về hát chèo. Ông cùng Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận đã soạn hai bộ Đồng văn và Nhã nhạc dùng trong quốc lễ và triều hội. Nhờ nghiên cứu hàng trăm vở chèo, ông đã biên soạn ra cuốn Hý phường phả lục[a] ghi lại các khoán ước của phường chèo, kịch bản và diễn xuất, cách đánh trống chèo, phương pháp múa và hát. Năm 1501 (tức 5 năm sau khi ông mất), bạn ông là Quách Hữu Nghiêm đã đề tựa và đưa in tác phẩm này.[9]


Lương Thế Vinh giữ chức Sái phu (chức danh chuyên phê bình, sửa chữa thơ) trong hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông.[11] Trong hội, ông từng nhiều lần ngâm họa với vua Lê như bài "Tướng sĩ nhớ nhà" và "Động Lục Vân". Ông cùng Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận và Đào Cử còn biên soạn nhiều bài ký, văn bia ở Văn Miếu và Chùa Một Cột.[12]


Ông được cho là tác giả của Thập giới Cô hồn Quốc Ngữ văn (hay Phật kinh Thập giới).[b] Đây là áng văn Nôm cổ gồm một đoạn mở đầu và 10 đoạn nói về 10 giới cô hồn: Thiền tăng, đạo sĩ, quan liêu, nho sĩ, thiên văn-địa lý, lương y, tướng quân, hoa nương, thương cổ và đãng tử.[15] Vì sáng tác Phật kinh Thập giới, Lương Thế Vinh bị các bạn đồng nghiệp (nhà nho) cười chê[13] và ông không được lập đền thờ trong văn miếu Khổng Tử.