Đông Hồ
Đông Hồ 東湖 (10/3/1906 - 25/3/1969) tên hồi nhỏ là Lâm Kỳ Phác nhưng trong hộ tịch chép là Lâm Tấn Phác 林進璞, được bác nuôi đặt tiểu tự là Quốc Tỉ 國璽, sau đổi là Trác Chi 琢之. Tổ tiên mấy đời ông đều sinh trưởng ở ven Đông Hồ ấn nguyệt, một thắng cảnh trong Hà Tiên thập cảnh, nên ông lấy hiệu là Đông Hồ.
Từ năm 1926 đến năm 1934, ông mở nhà nghĩa học trên bờ Đông Hồ lấy tên là Trí Đức học xá, chủ trương chuyên dạy bằng tiếng Việt, cổ động khuyến khích cho học trò và bè bạn tin tưởng ở tương lai Việt ngữ.
Về cái chết của ông, theo sách Núi mộng, gương hồ (Mộng Tuyết, quyển 2, NXB Trẻ, 1998, tr.115-116) thì các sinh viên dự lớp tại Đại học Văn khoa Sài Gòn hôm đó đều tin rằng khi đang bình giảng bài thơ Trưng Nữ Vương của Ngân Giang, vì quá xúc động trước vẻ đẹp của thơ diễn tả nỗi cô đơn, lạnh lẽo của người nữ anh hùng chạnh nhớ tới chồng mình sau chiến thắng, nên thầy Đông Hồ đã bị đột tử (tai biến mạch máu não) ngay trên bục giảng đường.
Tác phẩm:
- Thơ Đông Hồ (Nam ký thư quán, Hà Nội, 1932)
- Linh Phượng, tức Trác Chi lệ ký tập (tập ký khóc người vợ đầu, Nam ký thư quán, Hà Nội, 1934)
- Cô gái xuân (thơ, Vị Giang văn khố, Nam Định, 1935)
- Những lỗi thường lầm trong sự học Quốc Văn (biên soạn chung với Trúc Hà, Trí Đức học xá, 1936)
- Hà Tiên thập cảnh (Bốn phương, Sài Gòn, 1960)
- Trinh trắng (thơ, Bốn phương, 1961)
- Bội lan hành (thơ, Quình Lâm, 1969)
Nguồn: thivien.net