Vài Cảm Nghĩ về Tản Đà & Tản Đà Thán
Vương Thanh
Hôm nay Vương Thanh xin viết một bài ngăn ngắn về thi sĩ Tản Đà và xin chia sẻ vài cảm nhận mới lạ, phiếm luận một chút cho vui. Trước hết, mình xin chia sẻ tập thơ Đường tuyển dịch của Tản Đà, xuất bản năm 1938 qua link sau đây:
https://drive.google.com/.../1bSMAtPZiUCoEQ.../view...
Tản Đà là nhà thơ lớn của thế kỷ 20. Nếu ai làm biên khảo, soạn sách về thơ của thế kỷ 20 mà không có thơ của thi sĩ Tản Đà thì đó là thiếu sót nghiêm trọng. Với tôi mà nói, quyển sách đó không còn giá trị. Vi một thi sĩ học giả như Tản Đà mà không có tên trong sách, thì tôi thấy rằng tác giả thiếu hiểu biết về thơ văn...
Vài áng thơ rất tuyệt vời của Tản Đà, nhiều người biết là bài "Thề Non Nước", "Tống Biệt", "Cảm Thu Tiễn Thu", .... Ông rành tiếng Hán, có dịch truyện Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh và dịch tập thơ Đường , khoảng trên 80 bài, và cho xuất bản năm 1938.
Thơ Ông rất đa dạng. Ông làm đủ thể loại, lục bát, bát cú, song thất lục bát, tự do, thể ca trù, .... Thơ Ông nhiều bài từ ngữ rất trau chuốt và lời rất đẹp.
Tản Đà dịch thơ cũng rất tuyệt vời. Bản dịch Hoàng Hạc Lâu của Ông là một kiệt tác. (xem thêm bài viết của VT ở đây: )
Hoàng Hạc Lâu và Hai Bản Dịch Tuyệt Vời
Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ và nhiều bài khác như Quan San Nguyệt của Lý Bạch, Ông dịch rất tài tình. Tới đây thì quan điểm của VT cũng giống hầu hết những nhà thơ nhận xét về Tản Đà.
Có vài bài là mình có cảm tưởng "khác lạ" và cho rằng Tản Đà dịch "hư" thơ của nguyên tác. Xin chia sẻ với mọi người và mong là cũng sẽ có ít nhiều người đồng cảm với cảm nhận khác lạ của VT.
Hai bài mình thấy dịch khá kỳ kỳ.
Bài 1 : Tầm Ẩn Giả Bất Ngộ của Giả Đảo (thời Đường)
Tùng hạ vấn đồng tử (dưới thông hỏi đứa trẻ)
Ngôn sư thái dược khứ ((đáp rằng: thầy đi hái thuốc rồi)
Chỉ tại thử sơn trung (Ở trong núi này thôi)
Vân thâm bất tri xứ (Mây dày không biết (thầy) nơi nào)
Bài thơ này là bài thơ đạo, có nhiều hương vị Thiền.
Bản dịch của Tản Đà :
Gốc thông hỏi chú học trò
Rằng: thầy hái thuốc lò mò đi xa
Ở trong núi ấy thôi mà
Mây che mù mịt biết là đi đâu.
VT nghĩ là bản dịch này thiệt làm hư hoại hương vị thiền của bài thơ. Hai chữ "lò mò" thiệt không ra làm sao. Làm nhớ tới câu nói : " tối rồi, còn lò mò xuống bếp làm gì, ... " . Hai chữ "lò mò" thiệt thiếu phần trang trọng cho người vô cùng trân trọng chữ nghĩa như tác giả Giả Đảo, đã làm những câu thơ này "Tam niên nhị cú đắc / Nhất ngâm song lệ lưu / Tri âm như bất thưởng / Quy ngọa cố sơn thu" (VT dịch: ba năm làm được hai câu / Đọc lên, dòng lệ u sầu tuôn rơi / Tri âm như chẳng cảm lời / Thu về núi cũ ngắm trời mây bay...)
Sau đây xin đưa vài câu dịch bài thơ "Trường Hận Ca" của thi hào Bạch Cư Dị mà Tản Đà dịch và VT cho là dịch rất không hay . ( Bản dịch dài gần 100 câu cũng rất hay, chỉ là vài câu đầu nghe không được xuôi tai).
nguyên tác vài câu đầu của Trường Hận Ca:
Hán hoàng trọng sắc tư khuynh quốc,
Ngự vũ đa niên cầu bất đắc.
Dương gia hữu nữ sơ trưởng thành,
Dưỡng tại thâm khuê nhân vị thức.
(dịch nghĩa : thivien. net)
Vua Hán trọng sắc đẹp, muốn có một người nghiêng nước nghiêng thành,
Ở ngôi bao năm tìm kiếm không được.
Họ Dương có cô gái mới lớn lên,
Nuôi dạy ở nơi buồng the, người ngoài chưa ai biết.
vài câu dịch đầu của Tản Đà:
Đức vua Hán mến người khuynh quốc
Trải bao năm tìm chuốc công tai
Nhà Dương có gái mới choai
Buồn xuân khoá kín chưa ai bạn cùng.
Hai chữ "công tai" và "gái mới choai" của Tản Đà nghe thật chả ra làm sao. Không lịch sự, thiếu nhẹ nhàng.
Phần còn lại gần trăm câu của Tản Đà, dịch cũng hay. Nhưng tóm lại, vài chữ đủ làm hư bài thơ. Thơ dịch không phải thơ của mình thì nên dịch một cách trân trọng để khỏi làm hư thơ của tác giả thi sĩ. "gái mới choai" nghe xem nhẹ phái nữ, nghe khá là thô thiển. Các cô nên ủng hộ VT nhé, đang bênh vực phái đẹp đây 🙂
Thơ của Tản Đà nhiều bài vô cùng tuyệt vời, ngôn từ trau chuốt, từ ngữ đẹp, cũng nhiều khi ngông cuồng, ngạo nghễ , và khí phách, ... nhưng cũng có những bài cũng không hoàn hảo và mình cũng có chút ý kiến. Nhưng để dịp khác.
Mấy năm trước đây, cao hứng làm thơ vui , trêu thi sĩ Tản Đà. Chỉ là trêu thôi, chứ không có ý gì châm biếm, đả kích Tản Đà như nhà thơ Tú Mỡ trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Họ lấy Tản Đà (người được xem như đại diện phong trào thơ cũ ) để châm biếm, đả kích với mục đích nâng cao phong trào thơ mới, quan điểm mới về nhân sinh và văn chương...
Sau đây là bài thơ vui, xin chia sẻ :
TẢN ĐÀ THÁN
Mộng thấy Tản Đà ở cõi Thiên Thai, như Lưu Thần, Nguyễn Triệu vui cùng tiên nữ quên ngày tháng. Có đôi lời ta thán, VT ghi lại vào thơ. 🙂
Tản Đà là bậc phong lưu
Hồng lâu, tửu quán vẫn nhiều tới lui
Thiên Thai, cỡi hạc về trời
Bạn cùng tiên nữ, vui cười hát ca
Trần gian đưa mắt vọng qua
Ai người cứ mãi réo ta "Cụ" hoài!
Ta giờ tuổi đứng lại rồi
Nhìn coi có phải mới ngoài hai mươi
Thanh xuân tươi đẹp, rạng ngời
Rượu cùng bằng hữu, thơ cười với hoa
Cớ chi trần thế bảo già
Kính trao chữ "Cụ" thiệt là buồn thay!...
Tiên cung, lớp lớp khói mây
Thời gian đọng lại, tháng ngày như sên
Có nàng ngọc nữ dịu hiền
Thanh tao, yểu điệu, áo xiêm lụa là
Trông nàng chưa tới hăm ba
Nhưng theo trần thế đã già ngàn năm…
Rõ ràng mỹ nữ đương xuân
“Cụ bà” hai chữ ai đành lòng sao
Tưởng nàng mày nhíu mà đau
Môi rung rung giận, lệ trào bờ mi
Nhớ cho, chữ “Cụ” bỏ đi!
Giai nhân, thi sĩ mãi là hoa niên.
VT, 05.2013
Vương Thanh, 28.10.23