Thanh Tuyền
Thanh Tuyền (sinh ngày 29 tháng 10 năm 1948) là một nữ Danh Ca nhạc vàng nổi tiếng người Việt sống tại Mỹ, bà được mệnh danh là "Tiếng hát chim Sơn Ca miền đất lạnh" của Tân nhạc Việt Nam. Bà thành danh vào thời kỳ hưng thịnh nhất của nền nhạc Vàng miền Nam vào những năm 1960 - 1975. Bà có một giọng hát bền bỉ và là một trong những giọng ca trụ cột của Trung tâm Asia và Trung tâm Thúy Nga tại hải ngoại từ những ngày đầu tiên thành lập.
Gia đình bà có 16 anh chị em, Thanh Tuyền là chị hai.
Trước đây, bà học tại trường nữ Trung học Bùi Thị Xuân ở Đà Lạt. Sau này khi về Sài Gòn, bà chuyển sang học tại trường nữ Trung học Lê Văn Duyệt (nay là trường THPT Võ Thị Sáu).
Năm 1959, bà đoạt giải Thần đồng Đà Lạt với ca khúc Nắng đẹp miền Nam của nhạc sĩ Lam Phương. Đầu thập niên 1960, bà vừa đi học vừa đi hát ở đài phát thanh và được người cậu chỉ bảo những nhạc lý cơ bản. Một lần bà hát tại đài phát thanh ca khúc Vọng gác đêm sương của nhạc sĩ Mạnh Phát, Mạnh Phát đã phát hiện và nhờ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đưa bà về Sài Gòn nuôi dưỡng ước mơ làm ca sĩ. Nguyễn Văn Đông lên chương trình đào tạo cho bà, đặt cho nghệ danh là Thanh Tuyền (với ý nghĩa là "Giòng suối trong của Dalat").
8 tháng ở Sài Gòn, bà đã có dĩa hát giới thiệu với người yêu nhạc. Bà nhanh chóng nhận được sự mến mộ của người yêu nhạc Sài Gòn, sánh vai cùng các đàn anh đàn chị trên Đài Phát Thanh, trên sân khấu Đại Nhạc Hội, phòng trà ca nhạc, được báo giới Sài Gòn không tiếc lời khen ngợi.
Năm 1964, dưới sự dìu dắt của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, vợ chồng ca nhạc sĩ Mạnh Phát - Minh Diệu, tên tuổi Thanh Tuyền nổi lên trên các đài phát thanh của Việt Nam Cộng hòa, một phần do giọng hát thiên phú, một phần do giám đốc hãng dĩa Continental là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã dồn mọi nỗ lực trong việc lăng xê Thanh Tuyền trên báo chí cũng như trên đài phát thanh, nên từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu người ta cũng nhắc nhở tới tên Thanh Tuyền nhưng rất ít được nhìn thấy tận mắt bởi vì thời gian này bà còn là một "nữ sinh" chưa đủ tuổi đặt chân trình diễn vào các vũ trường cũng như phòng trà. Ca khúc đầu tiên được bà trình bày và thu âm vào dĩa nhựa là Dấu chân kỷ niệm (Thúc Đăng) đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả mộ điệu. Bà góp mặt lần đầu tiên trong một chương trình ca nhạc của Phạm Mạnh Cương trên đài truyền hình và trong nhiều chương trình khác. Lúc đó khán thính giả mới biết đến hình ảnh của Thanh Tuyền trong một dáng vẻ của nữ sinh mới lớn cùng tà áo dài trắng, mái tóc "cúp ngắn" .
Năm 1966, bà về cộng tác với hãng dĩa Sóng Nhạc, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Mạnh Phát. Lúc này, bà mới thật sự vút cao với Đà Lạt hoàng hôn và nhất là Nỗi buồn hoa phượng. Dù cộng tác với nhiều hãng đĩa khác nhau, nhưng Thanh Tuyền vẫn có sự thỏa thuận với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là vẫn tiếp tục thu thanh một số nhạc phẩm cho hãng dĩa của ông.
Năm 1967, bà bắt đầu đặt chân vào hát tại các vũ trường. Đầu tiên là vũ trường Tự Do của ông Ngô Văn Cường. Sau đó một thời gian, bà sang cộng tác với chương trình Hoàng Thi Thơ tại vũ trường Maxim's. Bà còn được nhạc sĩ, kiêm soạn giả Viễn Châu dìu dắt tập ca Vọng cổ. Bài tân cổ giao duyên đầu tiên là "Dấu chân kỷ niệm" đồng phát hành với bản tân nhạc cùng tên do Continental phát hành. Cũng cùng thời điểm này, bà hát song ca cùng ca sĩ Chế Linh. Trở thành một hiện tượng được nhắc đến nhiều nhất vào thời điểm đó và mãi đến tận sau này. Dĩa hát đầu tiên là nhạc phẩm Hái Hoa Rừng Cho Em của Trương Hoàng Xuân được tung ra thị trường và trở nên "ăn khách" một cách không ngờ. Sau đó nhiều hãng dĩa đã tranh nhau mời Chế Linh - Thanh Tuyền thu thanh một số tác phẩm khác như Con đường xưa em đi (Châu Kỳ, thơ Hồ Đình Phương), Phút cuối, Tình bơ vơ (Lam Phương),.... Tất cả đều được khán thính giả khắp nơi đón nhận nồng nhiệt và đều có số bán kỷ lục thời đó.
Năm 1968, Thanh Tuyền lên xe hoa với một đại úy cảnh sát quận Gò Vấp tại Sài Gòn. Ngưng sự nghiệp ca hát trong một khoảng thời gian. Họ có với nhau ba người con.
Vang danh tại hải ngoại
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Thanh Tuyền ở lại Việt Nam và tiếp tục sinh hoạt văn nghệ với Đoàn kịch nói Kim Cương. Năm 1976, Thanh Tuyền góp mặt cùng một vài ca sĩ khác trong Album nhạc đỏ Đường chúng ta đi
Năm 1978, Thanh Tuyền vượt biên sang đảo Pulau Bidong, Malaysia. Năm 1979, Thanh Tuyền cùng gia đình di cư đến Hoa Kỳ và định cư tại Washington rồi sau đó chuyển đến sinh sống ở Houston, Texas.
Giáng sinh năm 1981, Thanh Tuyền thực hiện cuốn băng Gửi người ngàn dặm được Trung tâm Thúy Nga phát hành.
Thanh Tuyền được mời đi hát trở lại vào năm 1982. Năm 1989, sau khi bức tường Berlin bị phá bỏ, Khánh Ly và Thanh Tuyền đã hát trong chương trình nhạc đầu tiên ở Đông Đức.
Trung tâm Thúy Nga thực hiện một liên khúc gồm hai nhạc phẩm Vùng lá me bay (Anh Việt Thanh) và Dấu chân kỉ niệm (Thúc Đăng) để vinh danh ca sĩ Thanh Tuyền. Cùng với sự góp mặt của các ca sĩ của Trung tâm như Như Quỳnh, Mai Thiên Vân, Phi Nhung, Hạ Vy và Hương Thủy.
Giáng sinh 2020, cuốn băng Liveshow Thanh Tuyền - Một đời cho âm nhạc được phát hành.