Tái tiếu sầu ngâm

Tương Phố


Đàn xưa, ai dứt dây đàn?

Đứt dây từ đấy, chứa chan mạch sầu!

Ngày xanh chi dở dang nhau,

Tuổi xanh nghi buổi bạc đầu mà thương.

Vóc mai gầy gỏ tuyết sương,

Mấy thu chiếc bách cánh buồm bơ vơ.

E dè buổi gió chiều mưa,

Con côi, mẹ goá, dễ nhờ nương đâu?

Bước đi, âu cũng thương nhau,

Dừng chân đứng lại cơ mầu dở dang.

Dây loan chắp nối đoạn trường,

Ngâm câu tái tiếu hai hàng lệ sa!


Dễ âu duyên mới du mà,

Còn tình chăng nữa, cũng là luỵ thôi.

Trăm năm danh tiết lỡ rồi,

Dẫu thân chung đỉnh cũng đời bỏ đi.

Đào tơ sen ngó từ khi,

Ngây thơ đôi lứa ngờ chi nỗi này.

Uyên ương chia rẽ bấy nay,

Lạc bầy chắp cánh, thẹn ngày giao hoan.

Tình xưa lai láng khôn hàn,

Bến xưa ngoảnh lại muôn vàn thương tâm!


Thuyền ai, não khách ôm cầm,

Dây tơ dìu dặt, âm thầm tiếng tơ.

Khúc thành, lệ ứa như mưa,

Cảm xoang điệu cũ bao giờ cho thôi.

Thân này, đôi dẫu đủ đôi,

Lòng này, riêng vẫn lẻ loi tấm lòng!

Theo duyên ân ái đèo bòng,

Trăm năm vẫn một khúc lòng bi thương.


Trông về lối cũ Bình Hương

Sông quanh chín khúc đoạn trường quặn đau!

Non cao, thẳm ngất non sầu,

Cảnh xưa ai vẽ nên mầu thê lương.

Tình xưa càng nghĩ càng thương,

Biết bao khoảng vắng đêm trường khóc nhau.

Gối nghiêng tầm tã tuôn châu,

Màn hoa chăn gấm giọt sầu chứa chan.

Cửa hầu, gửi áng xuân tàn,

Chén vinh hoa, nhấp muôn vàn đắng cay.

Nỗi lòng chua xót ai hay,

Tấm thân bồ liễu võ gầy riêng thương.

Vì chàng tâm sự dở dang,

Vì con, thôi mấy đoạn trường cũng cam.


Nghĩ vui đuốc tuệ hoa đàm,

Cha già, con dại, dễ làm sao đây?

Chàng từ cưỡi hạc chơi mây,

Bụi hồng, nào biết những ngày gió mưa.

Đau lòng thiếp, nỗi sau xưa,

Cửa nhà, non nước như tơ rối bời.

Lòng nào lòng tưởng vui cười,

Cũng thân nghiêng ngửa với trời đa đoan.

Nỗi đời nếm hết tân toan,

Khôn ngoan chi mấy mà oan trái nhiều!


Nước non duyên nợ nghĩ liều,

Cầm như con trẻ chơi diều đã xong.

Nỗi riêng lệ ứa đôi dòng,

Trăm năm để một tấm lòng từ đây!


1925


Nguồn:

1. Nam Phong tạp chí, số 147, tháng 2-1930

2. Tương Phố, Mưa gió sông Tương, NXB Bốn phương, Sài Gòn, 1960