Trương Quỳnh Như
Trương Quỳnh Như 張瓊茹 là cô thiếu nữ đoan trang thuỳ mị ở làng Thanh Nê, huyện Yên Tĩnh, tỉnh Nam Định. Thân phụ là một nhà nho tính tình khảng khái. Bào huynh, Trương Đăng Thụ, bấy giờ làm tổng trấn (tỉnh trưởng) tỉnh Lạng Sơn. Một hôm, bỗng thấy mấy người chở quan tài quan tổng trấn về làng, có một nhà sư theo sau hộ tống Quỳnh Như sửng sốt, lén nghe nhà sư trình bày với cha, mới biết rõ đầu đuôi: vì ông Thụ ủng hộ Trần Quang Diệu đề tiễu trừ tướng Tây Sơn Vũ Văn Dũng, nhưng cơ mưu bại lộ, Dũng sai thủ hạ Phan Đình Hồng, lúc ấy làm hiệp trấn (phó tỉnh trưởng) đầu độc cho Thụ chết. Do đó, đồng chí của Thụ là nhà sư này lo việc đưa xác bạn về nơi quê quán. Nhà sư nguyên tên là Phạm Thái, con Thạch Trung hầu trong đảng Cần vương, vì nối chí cha mong khôi phục nhà Lê, nên bị truy nã gắt gao, phải xuống tóc vào tu ở chùa Tiêu sơn (quận Yên Phong, Bắc Ninh) dưới đạo hiệu Phổ Chiêu.
Phổ Chiêu trước kia phò giá hoàng phi Nguyễn Thị Kim lên Lạng Sơn, để bà sang Tàu theo Lê Chiêu Thống. Nhân đó gặp Thụ, rồi khi Thụ thất bại, ông không làm gì được hơn là lo hậu sự cho bạn, cho trọn nghĩa. Cụ Trương trọng chí khí và mến tài học của Phạm Thái, nên lưu lại khuyên bỏ lốt thiền sư mà khoác áo nho sinh để bảo học mấy trẻ nhỏ trong nhà. Thấy Phạm là một thanh niên tuấn tú, vóc dáng con nhà, Quỳnh Như có thiện cảm ngay. Ỏ đây ngày tháng thanh nhàn, ra vào quen thuộc, trai tài gái sắc, gặp nhau trong mối duyên văn tự thanh cao, Phạm đã bộc bạch tâm sự bằng hai bài thơ.
Để đáp lại Quỳnh Như cũng trao chọ Phạm tập thơ nàng đã viết trong những giờ một mình suy nghĩ, đặt tên là: Thơ Vịnh 12 giờ. Tập thơ từ "Giờ tý" đến "Giờ dậu" là ngưng. Phạm hỏi: còn hai giờ nữa sao chưa thấy? Quỳnh Như đáp: Khó quá? Hay là anh viết tiếp cho... Phạm bèn cầm bút thảo ngay hai bài "Giờ tuất" và "Giờ hợi".
Cụ Trương một hôm tình cờ đọc thấy mấy bài này, có ý muốn gả Quỳnh Như cho thi sĩ, mới lựa lời khuyên chàng về tìm thân nhân đến mai mối cho phái lễ Phạm vâng lời, sốt sắng lên đường về quê nhà. Khi Phạm từ biệt, Quỳnh Như có gửi một bài tiễn hành.
Trong khi ấy, Cụ bà Trương lại không ưng cho con gái kết duyên cùng một "nhà sư phá giới" vả lại cũng tham nơi phú quý, nhất định gả nàng cho một công tử nhà giàu nhưng học dốt. Thấy vậy Quỳnh Như bực trí, mượn giây thắt cổ từ trần.
Khi đưa thân nhân đến nhà họ Trương để làm lễ hỏi, Phạm mới hay tin đữ, liền ra trước mộ người yêu thắp hương khóc và đọc bài ai điếu. Đọc xong, Phạm châm lửa đốt bài điếu văn rồi đứng nghẹn ngào, nỗi lòng dạt dào phả nên một bài thơ nối tế Trương Quỳnh Như. Từ đó Phạm sinh chán đời. Vì mải chuyện tình mà mấy năm rồi bỏ lửng cả việc đảng. Vả lại thời vận nhà Lê đã hết, nhà Tây Sơn rồi đến nhà Nguyễn kế tiếp nổi lên, việc Cần Vương không còn mấy ai nghĩ tới nữa, Phạm chỉ đành uống rượu ngâm thơ cho qua ngày. Ông ngậm ngùi mãi về mối tình duyên lỡ dở:
Đưa lời cho tới cung mây,
Sau này xin cởi cho đây với cùng!
Dây tơ hồng trách ai se mối,
Đến nửa chừng bỗng nới dần ra.
Căm vì một ả trăng già,
Trêu người chi mãi chẳng tha, thế này...
Và những khi cảm khái về thời thế, về thân phận, ông thốt ra lời thơ ngán ngẩm, khinh bạc, cáu kỉnh.
Những lúc say sưa, ông lại lên giọng cao ngạo, ngâm một bài yết hậu:
Sống ở nhân gian đánh chén nhè
Chết về âm phủ cặp kè kè...
Diêm Vương phán hỏi rằng chi dó?
Be!
Ông tạ thế năm 1813, thọ 37 tuổi.