Rừng Chảy Máu...  (tùy bút)


Thiên Di


Tôi thích rừng, vì với biển, tôi chỉ có thể ngắm nhìn và đắm mình chứ không thể khám phá... 

Nhưng với rừng luôn mở ra vô tận. 

 Cách đây vài chục năm, rừng còn nhiều, lan ra tận những thôn xóm, còn những đàn khỉ xuống phá rẫy nương. Những con đường xuyên qua rừng đêm thấy những đôi mắt đỏ của thú hoang đi kiếm mồi... Còn bây giờ... đi đến tận biên giới Việt- Lào cũng không tìm được những cánh rừng già nguyên thuỷ. Rừng tái sinh cũng không còn sức mà mọc lại. Đâu cũng lúp xúp bụi cây hoặc rừng tái tạo chủ yếu là cây Keo và Tràm. 

 Tôi cùng hai ba người bạn len lỏi trên những nhánh đường mòn, con đường mòn nhỏ xíu đầy những dây leo chằng chịt hai bên. Có khi tôi gặp chú bướm to gần như chiếc quạt, chắc con sâu phải to lắm, bướm lớn không đẹp, màu xám xịt nhìn thấy sợ. Có những vạt cỏ ven đường nhìn xa nở rộ hoa vàng, khi vừa nghe tiếng chân những bông hoa vụt bay lên như đám mây làm tôi mê mẩn, tôi gọi chúng là những đoá hoa bay... 

Trưa chúng tôi dừng bên một con suối có những viên đá cuội , suối miền Trung rất trong và lòng suối toàn đá cuội, lội không cẩn thận là trượt té. Trong những hốc đá nhỏ có nhiều bầy cá con bơi lượn đẹp mắt. Người bạn đi cùng tôi khá thông thạo , bắt được vài con cá như cá trê nhưng mình tròn, chúng tôi gom cành khô đốt xiên nướng mọi, cá không phải làm ruột vì ruột chỉ một sợi dính mỡ vàng ươm. Cá nướng thơm phức đặt lên lá chuối rừng chấm với muối ớt đem theo ngon hết biết. Cá, cua hay ốc ... trong suối đều rất ngon, không tanh như cá ruộng. Cá mại thì mua của người dân bản, cá màu trắng mình dẹt,  gói lá chuối nướng muối ớt thơm phức. 

Đó là chuyện lâu rồi... 

Những năm sau, rừng dần cạn, cá cũng hiếm, nói chi đến thú rừng. Xưa vô rừng sợ thú dữ giờ vô rừng sợ người dữ. Sim, móc, muồng cũng khó kiếm vì bị đào cả gốc đem bán, đồi núi trọc dần, phẩm vật của rừng từ từ tuồn ra nước ngoài và lòng tham con người vô bến đã tàn phá tất cả. Không có gì trong rừng Việt Nam không bị thu mua. Họ mua cũng lạ lắm. Mua rễ mà không mua cây. Cây rừng bị chặt phá vô tội vạ lâm tặc được sự bao che của thế lực ngầm. Phải nói rừng mênh mông sản vật, từ trầm hương là loại quý hiếm cho đến rùa vàng, khỉ mông trắng, cho đến nấm, cây thuốc... cứ biến mất dần , còn con thú nào thì cũng trốn qua rừng Lào tìm đất sống. Cứ xem bản đồ rừng VN mấy năm gần đây mà đau lòng. 

Chúng tôi ngồi nghỉ bên một con suối lặng nghe tiếng chim với vô vàn giai điệu, suối trong veo róc rách chảy thực đẹp làm sao, những người đi lấy cỏ máu kéo mớ dây leo được cắt khúc lội theo con suối, cỏ máu là loài dây leo có ở rừng Quảng Bình , dùng cho những phụ nữ sau sinh nấu uống bồi bổ khí huyết hoặc ngâm rượu. Nấm lim, đắng nghét mà một kg hai ba triệu, rồi nào là củ mài, củ hà thủ ô... bao nhiêu dược liệu quý từ rừng. Trước đây-  thập niên 70-80 người dân miền Trung sống nhờ trầm. Đi trầm trở thành một cái nghề. “Ngậm ngải tìm trầm”, “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”... có bao nhiêu câu thành ngữ từ đó, bao nhiêu sống chết vì rừng. Tôi có người bạn bỏ đại học đi tìm trầm qua tận Lào rồi mất tích. Có người thì đội gùi đi không trở lại, mà trở lại có tiền thì cũng không giữ được. 

Rừng thiêng là vậy. Nhớ gì kể đó. Bạn đọc có thể hiểu thêm, không biết rồi đây có còn gì gọi là rừng nữa không hay chỉ là những đồi cây trồng nhanh thay thế.? Máu vẫn chảy cho đến ngày rừng chết hẳn. 

 TD Viết trong chuyến đi 21.6. 2021