Thế Giới Thi Ca của Phan Khâm qua Thi Tập Dòng Sông Thao Thức
- Hồ Trường An
Từ trái sang phải: Thi Sĩ Phan Khâm và Nhà Văn Hồ Trường An
Thế Giới Thi Ca của Phan Khâm qua Thi Tập Dòng Sông Thao Thức
Hồ Trường An
Thi tập Dòng Sông Thao Thức là tác phẩm thứ hai của Phan Khâm vào thời kỳ anh đã có tên tuổi trên thi đàn và cũng vào thời điểm thi tài anh bắt đầu nở hoa. Từ Bên Dòng Thạch Hãn cho đến Dòng Sông Thao Thức thi ca của anh tiến một bước dài . Tuy anh không làm cho độc giả chúng ta có cảm tưởng anh như Tôn Hành Giả dùng phép cân đấu vân nhảy một bước trên mây, ném mình xa tới vạn dậm. Nhưng khi đem hai thi tập ra so sánh, chúng ta thấy thi tập thứ hai có một cuộc lột xác ngoạn mục hơn. Cũng có thể bảo rằng anh có canh tân hóa một vài yếu tố trong thi ca dù ngay lúc anh đi theo đuờng cũ lối mòn đi nữa.
Chẳng hạn ở những bài thất ngôn bát cú với thể điệu cổ kính, anh vẫn vận dụng những lối chơi chữ rất lạ lẫm và cực kỳ gợi cảm. Thơ của Phan Khâm ở mọi thể điệu mà tôi sắp trích ra Lời Giới Thiệu này rất là... phan khâm, không vướng một sợi tóc một mảy lông của thơ ai khác. Những ngôn từ của anh trong những bài thơ chọn lọc này sao là bình đạm, không một làn mây văn chương uyên bác mỏng nhẹ nào lướt qua huống chi là trà trộn lẩn lộn vào. Vậy mà chúng đẹp bất ngờ và sống động hẳn lên:
Cô tịch thềm hoang vỡ giọt mưa
Chuyển mùa tàu lá cứ đong đưa
Vòng tay hối hả rời chưa sáng
Bong bóng phập phồng chạy giữa trưa
Vuốt tóc ướt mèm căn gác cũ
Tắm hồn khô héo bến sông xưa
Ngược dòng nước chảy vào tâm thức
Xoáy xuống đáy sâu chuyện dối lừa.
(bài Vũng Xoáy)
Phan Khâm làm một cuộc chơi chữ rất thống khoái, rất điêu luyện. Anh khoác lên vóc dáng thơ chiếc áo cẩm bào hay bộ nhung y của trang mã thượng hào hoa:
Nửa khuya tay vuốt lưng chừng
Bơi theo sợi tóc ngập ngừng nhánh rong
Mơ hồ nửa đục nửa trong
Lăn tròn cuội đá lưu vong nửa đời
(bài Một Nửa)
Đố ai hiểu nguyên vẹn ý nghĩa của bài thơ? Nhưng chúng ta lại cảm nhận được cái âm điệu du dương, cách chơi chữ (jeu de mots) tuy đơn giản mà thập phần truyền cảm của tác giả. Ít khi Phan Khâm dùng ngôn từ hào nhoáng và hoa lệ cho thi ca của anh. Anh làm cho chúng ta nghĩ đến công việc moi lớp cơm nhạt nhẽo trong hột loại trái nam mai (tức là loai mù u) để phơi nắng, chắt lọc thứ dầu đặc sánh như mật ong. Đó là một loại hương du dùng đốt đèn để chúng ta cảm nhận được mùi thơm man mác. Và ngọn lửa
thắp bằng dầu mù u cháy trên bấc sáng trắng hơn ngọn lửa vàng ẻo và lù mù thắp bằng dầu hỏa.
Tiếp theo đây, xin cùng đọc bài thơ Ngọn Nến Giao Thừa. Bài thơ này có một bức màn sương mộng ảo che khuất những điều bộc lộ quá cởi mở để đưa thơ vào khúc nhạc ân tình cực kỳ âu yếm:
Tôi thắp ngọn nến giao thừa
Môi em một nụ hoa vừa mở ra
Theo dòng ký ức nguy nga
Hồn tôi diệu vợi ngân hà đêm nao
Mở tung cánh cửa ngàn sao
Suối tóc trừ tịch cuộn vào ý thơ
Vin cành nẩy lộc mối tơ
Trắng tinh con bướm đầu giờ hợp hôn.
Vẫn là những đề tài quen thuộc, nhưng tác giả không để cho ý lẫn lời cũ mèm để khỏi làm buồn ngủ cho người đọc. Và tuyệt vời thay, đọc lên nhũng bài thơ với đề tài xưa sao nay vậy ấy, chúng ta biết ngay là thơ của Phan Khâm rồi. Thơ anh có bản sắc riêng. Khi sáng tác thơ, anh quan sát cảnh vật, nhân vật và tình người rất tinh nhuệ. Anh tìm những góc cạnh độc đáo, những màu sắc đặc biệt để đưa vào thơ của mình. Cái xưa sao nay vậy bị san bằng tức khắc. Cái tai hại nhất của một nhà thơ là sáng tác những bài thơ từ nội dung đến hình thức trùng lẫn vào thơ của nhiều kẻ khác, không tạo được cái cá biệt rực rỡ cho nó.
Phan Khâm tránh được cái tai hại đó để thơ mình thăng hoa vào cõi nghệ thuật xán lạn huy hoàng. Chúng ta đã gặp trong Dòng Sông Thao Thức những bài thơ ngợi ca quê hương, những bài thơ thương nhớ kinh dâng mẹ hiền, những bài thơ ký thác tâm sự và giao cảm với người yêu v.v...
Quê hương đi vào thi ca của Phan Khâm gợi nên phấn đồng hương nội, phấn tỏa mùi hương đam đam, hoa phô sắc thanh thanh, nhưng có sức truyền cảm mãnh liệt ở những hình ảnh chạm sâu vào cõi ấn tượng của người đọc. Đôi khi những bài thơ ấy còn ẩn dụ con người trầm luân trong hệ lụy, trong phiền não đa đoan:
À ơi.. con nước, con đò
Trên sông ai thả câu hò lửng lơ
Cát bồi cát lỡ tương tư
Con hàu, con hến ngất ngư phận đời.
(bài Lửng Lơ Câu Hò).
Trong Dòng Sông Thao Thức, quê hương thường được tác giả lồng vào hình ảnh người mẹ hiền. Dường như trong thâm sâu của tiềm thức anh, Quê Hương là Đất Mẹ, là một hoá thân mầu nhiệm của Mẹ Việt Nam chúng ta Bà Mẹ Tổ Quốc thiêng liêng ấy sáng rực trong tấm lòng của người yêu quê mến đất và trong niềm tin tưởng của đứa con hiếu hạnh trong gia đình đã nhập vào bà mẹ đã banh da xé thịt để sinh rađương sự một cách tuyệt vời.
Nhớ con cu gáy đậu cành tre
Cái tiếng cúc cu bóng mẹ về
Tan buổi chợ chiều chân bước vội
Một đời của mẹ với làng quê
Cu gáy không còn tiếng cúc cu
Từ ngày vĩnh biệt mẹ... thiên thu
Thân tre đã chẻ làm dây buộc
Trôi chặt linh hồn mẹ thế ư!!!
(Bài Nhớ Con Cu Gáy)
Con đường làng dưới chân đê
Chiêm bao thấy bóng mẹ về nghiêng nghiêng
Đầu mùa cây trái tháng giêng
Từ trong mắt mẹ một thuyền hoa xuân.
(bài Một Thuyền Hoa Xuân)
Tình yêu thương đối với mẹ của Phan Khâm đâu phải sản sinh từ mạch đất sỏi đá khô cằn quê hương anh. Vậy mà nó còn mở cho ta những tư tưởng lạ về kiếp nhân sinh, đưa thơ anh vào một vũ trụ thăm thẳm bao la hơn.
Còng lưng mẹ
xuống hoàng hôn
qua con sông cạn
tới cồn cỏ khô
trượt chân
mẹ hỏng cơ đồ
ngã nghiêng
giữa mấy nấm mồ
tan hoang...
(bài Mẹ)
Trong "Dòng Sông Thao Thức", thơ tình yêu chiếm khá lớn rộng. Tác giả yêu nồng đậm, có khi đến chỗ hổn hển, nhiệt cuồng, dữ dội. Từ tình yêu, anh cầm lòng không đậu truợt ngã qua tình dục một cách ngon ơ, một cách tỉnh bơ. Có như thế, anh mới hóa thân một người tình tuyệt vời đúng nghĩa chứ bộ!
Lộ ra một nửa vầng trăng
Giữa vùng ngực nóng em căng dậy thì
Vườn xuân đốn ngã cây si
Cỏ non mơn mởn... em đi lấy chồng
Thấy tôi đứng đó khóc ròng
Như thằng con nít ai bồng bế tôi.
(bài Vườn Xuân)
Căng tròn hai quả táo
Em bảo của trời cho
Đứng dưới triền mộng ảo
Ngước nhìn cũng đủ no
(bài Hai Quả Táo)
Nhưng tác giả không sống với cơn đam mê trường cữu hoài hủy đâu. Anh vẫn có nhiều lúc bình tĩnh lại, lòng êm ả như mặt gương hồ thu để đón cảnh sắc lãng mạn như trời xanh lẫn vào nước biếc. Như hình ảnh những áng mây đẹp như gấm vóc, như reng thêu bay về soi bóng dãi sông xuân:
Sợi thương cuộn tròn ăn năn
Vòng vo như bánh xe lăn đường về
Sợi xưa còn mái tóc thề
Lược ngà óng ả bên lề nhớ nhung
Sợi vương mặt gối tương phùng
Em ơi vuốt tới tận cùng tơ duyên
(bài Sợi Tóc)
Thơ của Phan Khâm không trống trải bộc tuệch, chữ đâu nghĩa đó. Nó cũng không quá bưng bít, tối tăm, hũ nút. Nó chập chờn phiêu diễu, khi ẩn khi hiện, thấp tha thấp thoáng như chiếc bóng trong mơn như huyễn ảnh trong đáy nước, quyến rũ vô cùng. Thơ lục bát của anh thường đi thẳng vào lòng người, bởi lẽ nó vuơng vấn hoặc đượm nhuần tinh thần và âm vọng ngọt ngào tình ý của loại ca dao. Đọc loại thơ như thế, chúng ta có cảm tưởng trái tim mình như cỏ lá tẩm sương, như chất mật ong thấm vào tấm bánh nướng.
*
Điều đáng nói là loại thi ca nói lên phận người, nói lên những trái cựa trong cuộc sống, những cái phức tạp và mâu thuẩn của con người đã làm sáng tỏ cái tài hoa trên đà phát triển sung mãn của Phan Khâm sau thi tập Bên Dòng Thạch Hãn. Thơ quê hương, thơ kính dâng mẹ hiền, thư gửi người yêu của anh dù đi thẳng vào cõi thưởng ngoạn cùng ấn tượng của người đọc, dù chúng rung cảm tâm hồn họ hay làm lay động trái tim họ đi nữa; nhưng chúng vẫn chưa đào cho chính chúng một chiều sâu đáng kể. Đọc chúng xong, chúng ta không bần thần suy nghĩ lâu, không tra vấn cái bí nhiệm của cuộc sống được. Chính những bài thơ ăm ắp suy tư về phận người, những bài thơ tra vấn hiện hữu mới đưa anh lên địa vị cao sáng hơn trên thi đàn.
Bóng núi chìm trong sương
Bóng người mờ trong gương
Còn bao nhiêu nhân ảnh
Nổi trên bờ nhiễu nhương.
(bài Bóng Núi)
Phan Khâm đưa chúng ta đối diện với cái ý niệm về không gian vô biên và về thời gian ngút ngàn gần như vô tận qua một mảnh tim đá:
Nhặt một mảnh tình hai tỉ năm
Đào sâu ừ một cõi xa xăm
Mảnh tình hóa thạch tim ai đó
Ai bảo thời gian chảy mất tăm
(bài Hóa Thạch)
Vào thời đại nầy, tâm hồn các nhà văn nhà thơ thường bị trăn trở và xáo trộn bởi nhung cái rối reng của thời cuộc, của trăm đường lối chính trị phiền toái hổn tạp, dằn co nhau. Cho nên các tác phẩm văn chương nói chung, các thi tập nói riêng bị ảnh hưỏng bởi cái chi phối của thế hệ nhiễu nhương, bởi niềm ưu thời mẫn thế. Phan Khâm chọn một đường lối khác để anh tìm về sự bình an của nội giới, để anh nhìn sâu vào tâm cảnh, tâm thức của mình và để anh tra vấn những vấn đề siêu hình, tâm linh và tôn giáo.
Xin đọc bài Chuyện Dòng Sông. Có thể đây là một tác phẩm tiêu biểu nếp suy tư huớng về cái chân ngã của anh hơn:
Dòng đời là chuyện của dòng sông
Xuống thác lên ghềnh tới biển đông
Nhớ nước có nguồn, cây có cội
Dòng đời là chuyện của dòng sông.
Cứ sống theo nhau những nhịp cầu
Biết rằng còn lắm nỗi thương đau
Bao nhiêu hệ lụy đang ràng buộc
Cứ sống theo nhau những nhịp cầu.
Hàng vạn dòng sông giữa cuộc đời
Bọt bèo phiêu bạt, nước đang trôi
Vẫn mang thân phận người lưu lạc
Hàng vạn dòng sông giữa cuộc đời.
Ngày nào không nói chuyện dòng sông
Ngày đó hoang vu giữa cánh đồng
Ngày đó đồng không, không tất cả
Ngày nào không nói chuyện dòng sông
Bài này có nghĩa chánh là con nguời lưu lạc nhìn dòng sông nhớ về quê cha đất tổ. Nhưng qua một liên tưởng tuyệt vời dựa trên một ẩn dụ đặc biệt, chúng ta có thể nghĩ đến chúng sanh rời bỏ cái Chân Tâm (một trong những cái tên của Niết Bàn) trôi lăn vào dòng sanh tử luân hồi, chẳng biết bao giờ trở lại.
Cũng vậy, ở bài Điểm Nghiêng, Phan Khâm khai triển thêm con đường tìm về cái cuộc chứng ngộ vào Chân Tâm, thoát khỏi nẻo sanh tử luân hồi. Đó là cái điểm đứng. Nhưng duới cái nhìn điên đảo mộng tưởng của chúng sanh thì đó là cái điểm nghiêng. Nhưng quý hồ là ta gặp những điểm nghiêng để rồi có ngày nhờ tu chứng tinh tấn mà chúng hóa thành một điểm đứng duy nhất đưa chúng ta và cơn chứng ngộ bất khả tư nghì.
Hai ba lần lỗi hẹn
Chưa về tới điểm nghiêng
Con tàu nào rời bến
Nhổ neo bờ nhân duyên.
Hai ba lần lỗi hẹn
Bóng chiều về điểm nghiêng
Tiếng chim nào nghèn nghẹn
Bay đôi cánh tật nguyền.
Hai ba lần lỗi hẹn
Con dã tràng đi nghiêng
Điểm nào còn nguyên vẹn
Sóng tràn chưa xóa tên.
Xin lần nầy đi tới
Vo tròn lại điểm nghiêng
Đem từ tâm duyên khởi
Hóa thân những lời nguyền.
Xin lần nầy cùng đến
Mắt nhìn thẳng điểm nghiêng
Như sao trời thắp nến
Từ một cõi vô biên.
Xin lần nầy tao ngộ
Xâu thành chuỗi điểm nghiêng
Nguyện cho thành điểm đứng
Giữa thanh âm diệu huyền.
*
Với thi tập Dòng Sông Thao Thức, Phan Khâm đã chứng tỏ khách yêu thơ một bản lĩnh không nhỏ. Trong thi tập có nhiều bài thơ xướng họa thù tạc với nhau, chỉ lấy cái chân tình làm gốc, chứ không lấy cái tinh xảo làm mục đích . Tuy nhiên, nói chung, thi tập dù không hẳn là kỳ trân dị bảo cũa thi giới Việt Nam ở hải ngoại, nhưng nó vẫn là một món quà đặc sắc dành cho hiến lễ mùa thơ năm Bính Tuất (2006) vậy.
Hồ Trường An
France