Đi Và Sống Với Nhà Thơ Phan Khâm
- Hồ Trường An
Từ trái sang phải: Thi Sĩ Phan Khâm và Nhà Văn Hồ Trường An
Đi Và Sống Với Nhà Thơ Phan Khâm
- Hồ Trường An
Bác Sĩ Y Khoa kiêm Học Giả Trần Văn Tích thường than với tôi:
- Xứ Quảng Trị của chúng tôi ở vào cái eo thắt của đất đai tổ quốc, đá núi lấn chiếm ruộng đồng vườn tược nên đó không phải là dải đất phì nhiêu. Đã vậy khí hậu lại khắc nghiệt. Vào tháng tư có gió Hạ Lào nóng bức thổi về, vào tháng chín tháng mười thường có bão tố lụt lội. Dân chúng thường thiếu gạo, phải ăn khoai khô nấu với đậu đen để trừ cơm. Các món kho phải đệm thêm xơ mít. Cá Long Hội thì nhiều xương cứng, ít thịt ngọt.
Dù vậy, đất tuy sỏi đá, Quảng Trị nào hiếm những nhân tài lỗi lạc. Cụ Tham Tá Đại Học Sĩ Hoàng Hữu Xứng (tác giả bộ Đại Nam Quốc Cương Giới Vựng Biên và bộ Đại Nam Thực Lục Chính Biên Đệ Ngũ Kỷ) và Cụ Thái Thường Tự Khanh Hoàng Hữu Bình. Phải kể thêm Nhà Thơ Phan văn Dật (tác giả thi tập Bâng Khuâng và thi tập Những Ngày Vàng Lụa), Học Giả Trần văn Tích (tác giả quyển biên khảo Sự Muôn Năm Cũ và quyển biên khảo Nho Y Nguyễn Đình Chiểu). Lỗi lạc nhất là Nhạc Sĩ Hoàng Thi Thơ, tác giả gần 300 nhạc phẩm, hầu hết nổi tiếng, trong đó có Gạo Trắng Trăng Thanh, Trăng Rụng Xuống Cầu, Đôi Mái Chèo Trăng, Duyên Quê, Đường Xưa Lối Cũ, Phố Chiều, Tà Áo Cưới, Những Ngày Hoa Mộng v.v... Anh đã sáng lập ra đoàn ca vũ nhạc kịch Hoàng Thi Thơ đem môn ca múa để làm say mê khán giả Nhật Bản tại Tokyo và Osaka, ghi một thành tích vẻ vang vô tiền khoáng hậu cho lịch sử văn nghệ trình diễn của nước ta. Anh là con Cụ Hoàng Hữu Bình và cháu gọi Cụ Hoàng Hữu Xứng bằng bác. Và chúng ta cũng đừng quên giọng hát nồng đượm y tình dân tộc của Duy Khánh. Giọng hát này đã khơi rung cảm hàng triệu trái tim dân tộc trong suốt một phần tư thế kỷ.
Người ơi, Nhà Thơ Phan Khâm của chúng ta cũng là Người Quảng Trị. Theo thói nhà băng tuyết, chất hằng phỉ phong, dù không theo nghiệp mưu sinh bằng văn chương, nhưng anh vẫn đeo đuổi văn chương, xem văn chương như một phần lẽ sống của mình, người ạ.
Tôi gặp gỡ Phan Khâm trong kỳ Nữ Nghệ Sĩ Bích Thuận trình diễn tại Trụ Sở Unesco, kỷ niệm 50 năm hoạt động trong kịch trường ảnh giới. Kỳ đó, Phan Khâm theo nhóm Cụm Hoa Tình Yêu do Anh Như Hoa Lê Quang Sinh hướng dẫn. Nhà Văn Nữ Bích Xuân giới thiệu Phan Khâm cho tôi, cả hai có chụp chung với nhau một tấm ảnh. Còn Anh Như Hoa tặng tôi cây bút màu tím tươi nổi những nét ngân bạch lấp lánh và có khắc bốn chữ Cụm Hoa Tình Yêu. Chỉ có thế thôi. Cuộc tao ngộ quá ngắn ngủi để rồi hôm nay ngồi bên án thư, tôi mới có dịp nhớ lại. Đó cũng như một bóng nhạn lướt qua mặt hồ, tưởng chừng không còn lưu lại một dấu vết nào. Nhưng vào một sáng nào đó, theo ngọn heo may đưa đẩy, nhạn trở lại hồ, bóng in trở lại trong lòng gương hồ phẳng lặng; dù chỉ trong một thoáng chốc, nhưng nó lưu lại cho khách vãn cảnh một dấu ấn lưu luyến thiết tha trong tâm hồn đương sự.
Năm 2001, tôi qua Virginia ra mắt quyển biên khảo Tác Phẩm Đẹp Của Bạn, hình như anh cũng có đến tham dự, nhưng tôi không dám xác quyết vì hôm đó tôi quá bận rộn, não cân quá căng thẳng nên trí nhớ lu mờ như ngọn nhang tàn thắp khuya, như vầng trăng rằm lu mờ sương đục.
Sự gặp gỡ đáng nhớ nhất là cuộc gặp gỡ theo tinh thần của cổ nhân phong lưu tao nhã qua bút lông, mực xạ, giấy hoa tiên. Nói rõ hơn và hiện đại hóa hơn, đó là cuộc hội ngộ qua cuộc xướng họa thơ thất ngôn bát cú trong đó có anh và tôi cùng các chị Vi Khuê, Cao Mỵ Nhân, Nguyễn thị Ngọc Dung, Huệ Thu, Văn thị Kiều Anh, Trần Quốc Bảo, Tâm Minh Ngô Tằng Giao để hoàn thành thi tập Hoài Cảm. Ở trường hợp này, những bài thơ gửi qua gửi lại giữa người này, người nọ, người kia bằng mạng lưới internet, chẳng cần thơ chép trên những lá thư để được gửi bằng bưu điện, chứ nói gì cần tới chim hồng, chim nhạn, chim bồ câu?
Sau thi tập Hoài Cảm, tôi được Phan Khâm trang tặng thi tập Bên Dòng Thạch Hãn của anh. Bìa tập thơ màu ngọc thạch, tựa sách nổi chữ thanh lam viền trắng. Tên nhà xuất bản màu thúy lam, còn tên tác giả màu hồng phấn. Ảnh chùm hoa uất kim hương màu tể hồng đậm đà, pha một chút màu yên chi thắm thiết. Màu hoa kia nổi bật trên cái nền kết hợp bằng những màu xanh khác như màu thanh tùng (màu lam nhạt pha màu trân châu xám bạc), màu thúy lục đậm đà như men chậu sứ Giang Tây, màu thúy liễu (giống màu thanh tùng nhưng kém xám bạc), màu thạch anh (quartz) tươi thắm như lúa sắp trổ đòng đòng, màu ngọc kim sa (aventurière) đạm lục, màu ngọc thạch dịu mát như mạ non, màu bích ngọc sáng long lanh... Bông hoa thuộc màu nóng bỏng, sắc nồng nàn đuợc in chồng cái nền màu xẫm chen sắc nguội lạnh. Có vậy, toàn thể bức ảnh dành trang trí cho bìa sách vụt đẹp bất ngờ.
Ở bìa sau có in ảnh của tác giả Phan Khâm. Anh mặc áo sơ-mi trắng cổ cứng, thắt cà vạt đen in sọc xéo màu đỏ thẫm. Người trong ảnh có khuôn mặt rắn rỏi, nụ cười ngạo nghễ, vầng trán cao và sáng nhuận, nét mày lưỡi mác. Miệng cười mà ánh mắt đăm chiêu; đó là nét tuơng phản độc đáo của khuôn mặt anh.
Tôi rất tâm đắc với đoạn đầu của Lời Ngỏ. Xin cùng đọc: (Sông Thạch Hãn, con sông đá đổ mồ hôi, hay đuợc gọi là mồ hôi của đá. Nói như nhà thơ Lê Mai Lĩnh: Thạch Hãn đá đổ mồ hôi phải chăng đó là một ký thác định mệnh bất hạnh từ ngàn xưa của người dân quê tôi. Miền quê hương - đá cũng phải đổ mồ hôi huống gì là con người sức người.)
Những dòng sông trên quê hương như Sông Gianh phân ly đến 70 năm dưới thời Trịnh Nguyễn. Sông Bến Hải chia đôi đất nước từ 1954. Sông Thạch Høãn trở thành thêm một giới tuyến nữa lấn về Nam bắt đầu kể từ ngày 15 tháng 9 năm 1972 sau trận chiến khốc liệt mùa hè đỏ lửa. Ngược dòng lịch sử, chúng ta không bao giờ quên dòng Sông Ái Tử với tên tuổi khí phách lẫy lừng của Đặng Dung mài kiếm dưới trăng, từng làm cho Trương Phụ, tướng nhà Minh phải kinh hoàng khiếp sợ vào năm 1413. Một trăm bốn mươi lăm năm sau, tức là năm 1558, Nguyễn Hoàng mới vào xây dựng cơ nghiệp vương triều cát cứ ở miền đất Quảng Trị.
Đất Quảng Trị, con Sông Thạch Hãn, Phủ Triệu Phong lúc nào cũng kết tụ khí phách và anh linh của tiền nhân chúng ta về công việc khai hoang khẩn đất của họ trong cuộc Nam Tiến. Giữa vùng linh địa, bên dòng linh giang ấy, Nhà Thơ Phan Khâm của của chúng ta đã chào đời, đã lớn lên, đã tham gia vào công cuộc chống Cộng cứu nước. Và còn thú vị thêm nữa, anh đã đem cái phong thái văn vật ra hải ngoại để tìm một chỗ đứng trên thi đàn.
Thơ Phan Khâm không phải là một hòn ngọc Biện Hòa đẹp toàn bích và có giá trị liên thành. Nhưng nó thân thiết với người đọc như miếng ngọc bội kết tua chỉ tơ đỏ nhưng họ đeo mãi bên mình. Nó cũng như chiếc bạch ngọc phiến trang sức bằng bài thơ viết trên nền lụa bạch kết hợp các nan quạt bằng trúc Tương Phi mà các thiên cổ mỹ nhân luôn cầm tay trong tiết trời viêm nhiệt mùa hè hay trong tiết hàn nhuận của mùa đông. Vâng, nó rất thân thuơng đến như thế, không rời khỏi tâm tưởng người yêu thơ như thế, không ai có thể chối cãi vào đâu được.
Nắng hanh, hanh nắng vào mùa
Em nhìn nắng quái gió lùa tóc bay
Dẫu rằng em gặp nắng say
Chạy trời không khỏi nắng ngây ngất trời
Hôm qua, em bảo nắng hời
Hôm nay sao nắng trói người chang chang
Tình thu sẽ chớm nắng vàng
Mà sao em lại mơ màng nắng xanh
(Nắng, trang 36)
Cái lẩn thẩn trong ý thơ làm cho thơ thêm quyến rũ. Thơ tình yêu càng khờ dại bao nhiêu càng biểu dương cái đam mê nồng đậm khả ái bấy nhiêu, biến thi sĩ trở thành người tình tuyệt vời. Thơ tình càng thông minh, càng sáng suốt bao nhiêu sẽ biến thơ trở nên nhạt nhẽo nguội lạnh bấy nhiêu.
Thi tập Bên Dòng Thạch Hãn rất đặc sắc về thơ tình yêu đã đành. Nhưng nó còn có những loại thơ chân tình tha thiết khác như thơ hoài hương, thơ nói về cuộc thế sự mị thường, than thở về thời thế nhiễu nhương. Chính ra cái ý thơ lẩn thẩn của Phan Khâm làm tôi thú vị nhất. Anh là một nhà thơ quá đỗi thơ và tuyệt vời mộng mị. Cái cá biệt trong thơ của anh dễ gì ai có được?
Nhìn cột mốc trăm nỗi nhớ nhà
Hăm hai cây số tới Đông Hà
Dọc đường gió bụi chôn chân đó
Nắng giãi mưa dầu thật xót xa
Con đường cột cây số hăm hai
Dâu bể tang thương tiếng thở dài
Chôn chặt trăm năm tình lủi thủi
Con đường cột cây số hăm hai
(Cột Cây Số Hăm Hai, trang 52)
Lờ mờ theo vết chân chim
Đậu trên cọng cỏ vô tình đêm qua
Gió khuya thổi trắng nhạt nhòa
Tôi đi từng bước mù lòa tìm tôi
Chỉ còn hai chữ mồ côi
Trên đất, trên cát, trên người, trên không.
(Mồ Côi, trang 65)
Đáng sợ nhất cho một nhà thơ nào không tìm được nét riêng biệt, nét đặc sắc cho thơ của mình. Như thế đương sự chỉ là thợ thơ chứ chưa lột xác thành thi sĩ thực thụ được. Phan Khâm tránh được cái tai hại đó. Anh tạo được cho mình một thứ thơ không giống thơ của ai. Anh không ngại những ngôn từ vụng dại hay cấu trúc thiếu tinh vi miễn sao thơ anh sáng trưng thần trí sáng tạo tuyệt vời của mình. Do đó cái vụng dại, cái thiếu tinh vi trở thành cái ý nhị kỳ diệu, cái duyên dáng bất ngờ.
Về thơ quê hương đất nước, Phan Khâm tỏ ra mẫn cảm và tha thiết ở bài đầu có cái tựa Mùa Xuân Nào Về Thăm Quảng Trị. Bài tuy hay mà không xuất thần bằng bài Nước Giếng Bàu. Chất liệu để hình thành bài thơ rất xoàng xĩnh như cái giếng, ngọn gió Lào, tàu chuối rám nắng, trụ đá xanh, cây đa, cỏ dại. Đó không phải là chất liệu xinh đẹp hiếm quý để thi nhân đưa vào cõi mộng cõi mơ tuyệt vời của mình. Nhưng mà kỳ lạ thay, những chất liệu ấy vẫn khơi rung cảm mãnh liệt cho Phan Khâm. Cho nên thơ của anh có sức truyền cảm kỳ đặc. Bài thơ nầy lại không giống thơ quê hương của bất cứ ai. Nét đơn sơ mộc mạc của nó như khóm chuối kiểng, khóm trúc tương phi nổi bật lên giữa muôn hồng nghìn tía trong ngự viên thượng uyển, có nét xinh tươi riêng biệt.
Khuya khoắt chắt nước giếng bàu
Gió Lào tháng sáu rám tàu chuối xanh
Vẫn còn bốn trụ đá thanh
Bên bờ thương nhớ cội cành cây đa
Hồn người cỏ dại xót xa
(trang 75)
Phan Khâm rất điêu luyện loại thơ xướng họa theo thể thức thất ngôn bát cú. Điều đó đã chứng tỏ ở trong tuyển tập thi ca Hoài Cảm do nhóm Cỏ Thơm thực hiện. Bây giờ, xin cùng đọc bài xướng Kiếp Dã Tràng trong thi tập xướng họa Hoài Cảm:
Cát vẫn xe duyên với dã tràng
Viết hoài viết mãi chuyện trần gian
Giận hờn phút đó còn lưu luyến
Thương nhớ giờ đây đã xoá tan
Chân yếu sóng xô nào ngại khó
Lưng còng nước cuốn chẳng từ nan
Hoài công cả kiếp đời như thế
Theo bóng thời gian cứ vội vàng
(trang 108)
Theo truyền thống cổ nhân, nhất là các bậc sĩ phu, Phan Khâm một khi ngâm vịnh hay xướng họa thường trước tác loại thơ Đường luật bảng lảng nếp cổ phong. Anh tức cảnh cốt để ngụ tình. Người Tây Phương cho rằng đây là phép ẩn dụ (métaphore/ parabole) để đưa thi ca vào lãnh vực sâu sắc hơn.
Thơ tình yêu của Phan Khâm có nhiều khuôn mặt, nhiều dáng vẻ. Đôi lúc thơ hàm nhuận một tình ý sâu sắc, dù bề ngoài nó vẫn khoác chiếc áo đơn giản đi nữa. Nhưng cách xử dụng ngôn ngữ của anh rất điêu luyện, chẳng những không pha loãng cái chân tình của anh trong thơ mà còn đượm đà một nhân sinh quan đặc sắc lẫn tình ý thiết tha say đắm nữa. Xin cùng đọc bài Giọt Rượu:
Thơ là rượu cuả quỷ*
em là rượu của ai
uống đi không cần nghĩ
Chuyện gì đến ngày mai
*lấy ý từ câu: Poetry is the devil's wine
Hạ tuần tháng 5 dương lịch năm 2005 vừa qua, anh Phan Khâm có gửi cho tôi một cuốn băng hình ghi buổi yến tiệc tại nhà chị Nguyễn thị Ngọc Dung vào chiều đầu tháng chạp năm 2002, sau cơn mưa rả rích và nắng ửng chân mây xa. Đó là bữa tiệc tại nhà chị Nguyễn Thị Ngọc Dung để anh giới thiệu bài thơ Ước Mơ của anh được Nhạc Sĩ Nhật Bằng phổ nhạc và do chị Loan Phượng trình bày bằng giọng khàn đục khói sương, gợi cảm tuyệt vời. Trong băng hình này, anh mặc bộ complet màu đen, thắt cà-vạt đỏ. Anh hơi nhỏ vóc, nhưng khuôn mặt kết hợp bằng những nét hùng tráng: cằm vuông, chân mày võ tướng hình Thanh Long Đao (nói theo Kim Dung là Lãnh Nguyệt Bảo Đao), cặp mắt sắc, cái nhìn soi bói, nụ cười khinh bạc. Điểm trội nhất trên khuôn mặt anh là vầng trán cao, sáng nhuận làm người ngắm nghĩ đến một chân trời mênh mông. Chân trời ấy hàm nhuận biết bao tráng khí, biết bao hoài bão sắt son của nhà chí sĩ Đặng Dung khi ông ta mài kiếm dưới trăng. Hôm đó, chị Phi Hồng, nội tướng của anh rất hiền dịu mặn mà trong chiếc áo veste và cái quần dài cùng một màu đen, tất cả bằng vải gabardine.
Sáu tháng sau, vào Chúa nhật ngày 8 tháng 6 năm 2003, Phan Khâm có tổ chức cuộc ra mắt thi tập Bên Dòng Thạch Hãn. Khi ra mắt sách tại Nhà Hàng Thần Tài tại Vùng Seven Corners thuộc Tiểu Bang Virginia thì anh vẫn giữ nguyên bộ lễ phục cũ. Còn khi lên diễn đàn ngâm bài thơ Mùa Xuân Nào Về Thăm Quảng Trị của anh thì chị Phi Hồng mặc chiếc áo màu hoàng yến điểm những nhánh rong mềm mại màu đen. Giọng ngâm chị rất Huế, rất ngọt ngào trong trẻo.
Và trong buổi tiếp tân Nhà Thơ Như Hoa Lê Quang Sinh tại tư thất của mình, Phan Khâm mặc bộ complet màu lục đậu (xanh ve chai pha xám), thắt cà-vạt màu rêu xanh biếc. Còn chị Phi Hồng thảnh thơi tươi mát trong chiếc áo đen hở ức, sát nách phô bày đôi cánh tay trắng như phấn mịn như nhung. Vẻ nuột nà của đôi cánh tay ấy tương phản với màu áo và mái tóc nhung huyền và rối rắm một cách mỹ thuật. Chị mặc chiếc xiêm trắng in những mảng màu lá chuối non, nửa giống hoa nửa giống lá. Hôm đó chị đãi nhiều món bày la liệt khắp chiếc bàn dài, loáng thoáng tôi được nghe món tré, món bánh ít lá tro, món bánh cuốn chả lụa. Và tôi đoán chị còn làm nhiều món nữa như bún bò hoặc dấm nuốt, bánh quai vạc hay bánh ít bột lọc, bánh lá chả tôm, bánh khoái, bánh nậm, cơm hến...
Ngôi biệt thất của Phan Khâm trang hoàng thật trang nhã và sạch bóng. Tủ nạm xa cừ hay tủ chạm trổ đều đựng những đổ cổ ngoạn quý giá, những món ngoạn hảo (bibelots) xinh đẹp. Ngoài bức tranh thêu hai con mãnh hổ của Turkey, còn những bức ảnh do anh chụp và ảnh do anh sưu tầm được lồng gương và đóng khung gỗ sơn đen. Phía dưới mỗi bức ảnh chụp là bài thơ của anh được Thư Họa Gia Vũ Hối ghi lại bằng lối thủ bút họa và bằng bút lông mực tàu trên nền giấy ngọc cốt băng cơ nõn nà. Trong văn giới và họa giới, ai mà chẳng biết nghệ thuật thủ bút họa của Vũ Hốiù. Đó là lối chữ tha thướt mà hùng tráng như nét uốn lượn của loài phi long, hoặc như dáng chuyển mình của loại hổ báo. Vũ Hối xuất thần khi tung hoành ngọn bút lông, khéo ở chỗ khi kéo dài nét chót thường đè cho ngọn bút lông ghi nét đậm thật táo bạo và ào hứng. Đôi lúc, ở nét chót, anh xòe ngọn bút ra để nét kéo dài tủa ra những sợi tơ huyền nhỏ mức như tơ của ngó sen khi chúng ta bẻ ngó sen làm đôi.
Ngoài tài sáng tác thi ca, Phan Khâm còn có nghệ thuật nhiếp ảnh vững vàng ở chỗ phối trí, ở chỗ lấy bố cục, ở chỗ lấy ánh sáng và ở chỗ lấy góc cạnh cho đối tượng trước khi anh bấm máy thu hình. Anh cũng đang tập nghệ thuật thư họa. Nét chữ duy nhất của Phan Khâm ở trong bài "Đêm hai đứa mình ra biển, đêm hai đứa ngước nhìn sao" được anh làm phóng ảnh để gửi cho tôi xem chơi. Nét chữ trong nghệ thuật thư họa của Phan Khâm tuy không vẫy vùng lả lướt như nét chữ của Vũ Hối, nhưng bù lại rất uyển chuyển nhưng cực kỳ phóng khoáng làm hiển lộ cái tinh thần ngang dọc của anh.
Cho tới nay, thơ Phan Khâm có 15 bài được phổ nhạc. Xin kể:
1- Thỏ thẻ bốn mùa (nhạc Nguyễn Tuấn )
2- Một mai trở lại ( nhạc Nguyễn Tuấn)
3- Sài Gòn-Paris (nhạc Nguyễn Tuấn )
4- Tôi về đó tìm tôi ( nhạc Nguyễn Tuấn)
5- Nợ với giai nhân ( nhạc Hồ Bảng)
6- Mùa uyên ương ( nhạc Hồ Bảng)
7- Trong trí nhớ dòng sông (nhạc Huy Lãm)
8- Nắng và Em ( nhạc Huy lãm)
9- Ước mơ ( nhạc Nhật Bằng)
10- Hoa nở bao giờ ( nhạc Nguyễn Túc)
11- Mùa xuân nào mình về thăm Quảng Trị (nhạc Nguyễn Hữu Tân)
12- Cây đa làng cũ ( nhạc Nguyễn hữu Tân)
13- Một chút Sài Gòn giữa lòng Paris (nhạc Mạnh Bích)
14-Ta nhớ Em ( nhạc Phan Dũng-Hảo)
15- Vần thơ cho ai (nhạc Phan Dũng-Hảo)
HỒ TRƯỜNG AN
(France)