Văn tế tướng sĩ rằm tháng bảy
Phan Huy Ích
Gươm linh bảo mười năm sẵn có, đấng anh hùng mây gió mãi chưa thôi,
Đám nhung tràng một phút như không, con tạo hoá ghét ghen chi lắm thế?
Nhớ tôn linh xưa:
Hào kiệt ấy tài,
Kinh luân là chí.
Nặng vai nửa gánh giang sơn,
Chắp cánh bốn phương hồ thỉ.
Quốc bộ gặp đương cơn binh cách, phép nhung bào từng lắm trận uy linh,
Thiên tài mong học chước Vệ hầu, chế pháo đạn biết bao chừng cơ trí.
Chức soái phủ đổ nhung vâng mệnh,cầm ấn quan phòng,
Tước triều đình tưởng vệ sắc phong, mở cờ tân chế.
Chắc những tam sinh hữu hạnh, hăm hở sợi bền sắt cứng, trí khuông phù không phụ với quân vương,
Nào hay nhất đán vô thường, tơi bời đạn lạc tên rơi, tràng chiến đấu biết đâu là số hệ.
Thương ơi!
Thời vậy thay hay mệnh vậy thay?
Người ra thế sao phận ra thế?
Trong ba kỷ xuân thu tuy chửa mấy, yên ngựa chỉn ghê phen sấm sét, gánh cương thường cho tỏ mặt nam nhi,
Ngoài mười năm sự nghiệp biết dường nào, doành lông đà bỗng chốc sao sa, thu linh phách vội cướp công tráng sĩ.
Thà chết mà trọn tay địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh,
Kìa sống như mấy mặt hàng thần, ở lại giang sơn thêm bẽ.
Núi Thiên nhận mịt mù hơi gió thổi, tiếc người tiết nghĩa ngậm ngùi thay,
Nước Tam thoa thấp thoáng bóng trăng soi, nhớ kẻ trung trinh ngao ngán nhỉ.
Nay nhân:
Thu tất tới tuần,
Thúc sô dâng lễ.
Chén rượu rót thoảng bay mùi chính khí, trước sân đề đủ mặt quan liêu,
Nén hương dâng nghi ngút khói bạch vân, dưới án tỏ đôi hàng cơ vệ.
Đau đớn nhẽ xuân huyên tuổi tác, ôn sảnh nhờ tay em nâng giấc, chút thâm tình ngậm cõi hoàng tuyền,
Hỡi thương ôi, hoè liễu thơ ngây, ân cần nhờ tay vợ chăn nuôi, di phúc ấm sẵn chồi đơn quế.
Hồn có sản linh, hộ phen này cho quân mạnh tướng hùng,
Phách dù oan uổng, đợi ngày khác sẽ khắc phong đền tế.
Thôi thôi!
Ngựa tía dù xanh đành kẻ khuất, đem thân bách chiến, để tiếng thơm cho vẹn cuộc trần ai,
Súng đồng gươm bạc mặc người còn, trở mệnh tam quân, dốc chí cả quyết xây nền bình trị.
Thương hỡi là thương,
Kể sao xiết kể.
Hỡi ơi! Thượng hưởng!
Nguồn: Trần Trung Viên, Văn đàn bảo giám, NXB Văn học, 2004