Nguyễn Huy Hổ / Mai Đình Mộng Ký

Nguyễn Huy Hổ (1783-1841) quê huyện La Sơn (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), con Nguyễn Huy Tự. Năm 1823, Minh Mạng gọi ra làm ở Toà khâm thiên giám. Nguyễn Huy Hổ có để lại một tác phẩm bằng thơ Mai Đình mộng ký bằng chữ Nôm, ghi giấc mộng gặp người đẹp ở Thưởng Mai đình trong chuyến ông đi thăm anh dạy học ở Nam Đàn (Nghệ An). 

Mai Đình mộng ký



I. Nhập đề


Trăm năm là kiếp ở đời,

Vòng trần này đã mấy người trăm năm.

Cuộc phù sinh có bao lăm,

Nỡ qua ngày bạc mà lầm tuổi xanh.

Duyên tế ngộ hội công danh,

Là hai, với nghĩa chung tình là ba.

Đều là đường cái người ta,

Là cầu noi đó ai qua mới từng.

Tình duyên hai chữ nhắc bằng,

Há rằng duyên chướng, há rằng tình si.

Chuyện xưa còn có sá chi,

Đêm khuya vui chén muốn ghi nỗi mình.

Cho hay rằng giống có tình,

Chiêm bao lẩn quất năm canh lần lần.



II. Cuộc xem đèn ở Phù Thạch


Nhớ xưa năm Tị, tháng Dần,

Thưởng xuân vừa gặp giữa tuần tròn trăng.

Thắng du tiện nẻo quan đăng,

Trông vời non Liễu, băng chừng dặm hoa.

Trời hôm xuân nhuốm màu da,

Cơn mưa rửa tuyết, trận hà cuốn mây.

Chim về xao xác lá cây,

Rừng Đông đã thấy tròn xoay bóng thiềm.

Lửa đâu thấp thoáng trong rèm,

Khi đưa hương xạ, khi đem khói tùng.

Đá đâu lấp ló giữa dòng,

Như bay hoa sóng, như trồng gương nga.

Thành đâu xây lấp yên hà,

Đỉnh non nền cũ, cán cờ bụi sương.

Đền đâu lắng dấu khói hương,

Bể reo công trước, vàng tương mái tàu.

Lần theo ngọn nước làu làu,

Gió lay chiếc cọc, thuyền mau mái chài.

Trong gương ai cắm cành mai?

Dưới mây ai ném một vài lưu tinh?

Phồn hoa nổi áng thị thành,

Này Phù Thạch phố là danh lịch triều.

Thú phong lưu cũng ít nhiều,

Đèn chong vẻ tố, lò thiêu bụi trần.

Vũng doi trải mấy xây vần,

Dập dìu còn đó với xuân dễ nào!

Thảo mà cánh điệp lá đào,

Đi về Vu Giáp, ra vào Vũ Lăng.

Một trời hoa cỏ lâng lâng,

Mơ mòng mưa Sở, gió Đằng đâu đây.

Chiều xuân chuốc chén vơi đầy,

Thử xem người tỉnh người say mới là.



III. Thuyền ngược dòng sông Lam


Dã men vừa sánh giọng trà,

Nhà lan treo tháp, doàng la xuống thuyền.

Gió xuân rút cánh buồm duyên,

Thiều quang chín chục, vân yên một chèo.

Bến tình nhẹ nhổ con neo,

Đầu mai yến vấn, mạn chèo oanh đưa.

Thảnh thơi bầu rượu túi thơ,

Ngón cầm khiển hứng, nước cờ giải mê.

Não nùng vượn suối hoa khe,

Với người dường có vả vê chữ tình.

Phong quang tám bức vén tranh,

Bình non mượn khắm, gương doành lét tô.

Bến Nam liễu bá con đò,

Mảnh mây viễn phố, cánh cò hàn sa.

Ngàn Đông khói lẫn lạc hà,

Giọt mưa cổ thụ, tiếng gà cô thôn.

Vó câu pha gió nhẹ bon,

Bên lầu Bắc hỏi hoàng hôn địch nào?

Trời Tây bóng ác non sào,

Đường rêu khách quạnh ruổi vào Thiên Thai.

No xem góc bể bên trời,

Một xuân biết mấy mươi nơi dập dìu.

Đòi nơi giốc mục, ca tiều,

Cần hôm mấy cán, tơi chiều nửa manh.

Thảnh thơi gió mát trăng thanh,

Nào đầm Đồng Lại, nọ ghềnh Bàn Khê.

Mảng vui sào cạy mái phê,

Doành ngân bóng thỏ đã xê ngang đầu.

Nài xuân chén những kèo mau,

Tưởng duyên kì ngộ, ngâm câu Vị Đường.

Này này quế trạo lan tương,

Ví đua Xích Bích chi nhường Đông Pha.



IV. Mộng đến Mai Đình


Say sưa đòi thú lân la,

Giang Thành đã gióng canh gà sang tư.

Giấc hoè thiêm thiếp lầm mơ,

Trong mơ mòng thấy tình cờ lạ sao.

Tưởng mình lạc lối nguồn đào,

Khi ra Động Khẩu, khi vào Bồng, Doanh.

Đòi nơi chim lá hoa cành,

Dường chiều đón rước, như tình rủ rê.

Mấy chòm len lỏi sơn khê,

Dòng ngăn thú dật, vách che bụi trần,

Ruổi quanh hoa kính lần lần,

Cảnh tiên riêng đợi tay thần mở mang.

Bầu trời ghẽ chiếm thanh quang,

Nẻo xa trông rõ mấy trang lão tùng.

Dưới tùng có gác Nghinh Phong,

Cách chừng thấy những phạm cung, bảo đài.

Băng chừng rảo bước tới nơi,

Tường sau nghìn gốc tảo mai quanh thành.

Biển đâu nét tạc rành rành,

Đề ba chữ “Thưởng Mai Đình” vàng tương.



V. Thiếu nữ đề thơ


Trong đình bốn báu sẵn sàng,

Cánh mây mới thảo, ngòi sương chửa rời.

Xông mai chợt động bóng người,

Vẻ lan vừa chán vội dời gót sen.

Ghẽ ngang về mé Tây hiên,

Cành dao khuất bóng, xiêm tiên lẫn màu.

Ít nhiều chùm quẹn chồi thâu,

Hương thừa còn phảng phất đâu trước đình.

Vẻ sao ngọc chuốt giá thanh,

Bút thần đố vẽ nên tranh truyền thần!

Giá sao báu Triệu, châu Tần,

Người sao so dưới cõi trần chưa ai!

Thực âu sắc nước hương trời,

Chẳng dòng thần nữ cũng vời tiên cung.

Nguồn phong động khoá trùng trùng,

Khách thơ thêm những mơ mòng hồn thơ.

Biết đâu nước đợi non chờ,

Chúa xuân sao bỗng hững hờ cho đang.

Bào tình lần thấm giọt tương,

Thẫn thờ ngọn khói cành sương một mình.

Lén vào kề trước Côn Đình,

Vách mai còn dán rành rành tiên mai:

Lứa ngọc cùng ai đó?

Trăng kia với khách này.

Một cành xuân đã sớm,

Mấy đoá tuyết nào bay.

Vẻ sạch mưa càng dãi,

Lòng thơm gió nỡ lay.

Bướm con đừng thóc mách,

Cho hái có dường tay.



VI. Hoạ thơ thưởng mai


Tứ cao cách lạ tột vời,

Quần thoa hiếm nhỉ nảy tài Âu, Tô!

Nữ trung dễ mấy này ru,

Song mai kể mấy công phu tập rèn.

Câu thần, chữ thánh, người tiên,

Hay đâu là chẳng sẵn nguyền trăm năm.

Phím hoàng đợi khách tri âm,

Nên treo cân Lệ, ai cầm giá Côn.

Nghĩ mình giong ruổi nước non,

Niềm kinh quốc, nỗi hương thôn bấy chầy.

Thốt chi bướm lũ ong bầy,

Đàn tao nào mấy đua tay cắm vè.

Dù chăng con Tạo khắt khe,

Thì chi cánh điệp còn mê với tình.

Trót đà tới Mẫu Đơn đình,

Thơm chăng cũng bẻ một cành làm duyên.

Tục điêu cẵng bộ vần tiên,

Liễu Trì trước lá hoa tiên thế nào?

Ngòi dao vừa ráo luật Đào,

Với vần thơ trước sắp vào một phong:

Dao Trì in vẻ ngọc,

Đúc lại lá tiên này.

Nản gió hoa vừa náu,

Này hương nguyệt muốn bay.

Chiếc đình còn phảng phất,

Cái bướm bỗng thày lay.

Chẳng những xuân kia chọn,

Thần tiên cũng chắp tay.

Người tiên dẫu cách mấy trùng,

Dấu tiên cẵng phó thi đồng chắt chiu.

Bỗng dưng trăng dật gió dìu,

Làm sao lui tới cho đeo đẵng này.

Cuộc mê càng mải miệt thay,

Dập dờn chiếc bóng chay vay trót giờ.

Một đình, một khách, một thơ,

Thôi thầm thì hỏi, lại mơ mẩn chào.



VII. Rảo bước tìm người


Hiên đâu kéo dãy hoa đào,

Đánh liều cả quyết bước vào thử xem.

Thướt tha tơ liễu buông rèm,

Trà non uốn điệu, dương mềm khoe tươi.

Nhuỵ xuân rước gió như cười,

Chòm thanh, khóm dật, khác vời chân du.

Có cây, có đá lô xô,

Có lầu túc điểu, có hồ du ngư.

Giữa trời một cuộc tiên cư,

Đình đài mấy tóp, đồ thư mấy từng.

Hoa say, hạc ngủ, mơ chừng,

Một rằng Bích Động, hai rằng thanh tiêu.

Một hiên Huy Phượng cheo leo,

Thấp đưa gió trúc, cao reo sóng tùng.



VIII. Trao thư cho hoàn


Tiểu hoàn lẩn bóng hiên trung,

Vén cành biếc, hái hoa hồng trước lan.

Bóng người chợt thấy dung quang,

Lanh chanh bước tới sỗ sàng hỏi ngay:

“Người đâu quan khách đâu đây?

Lạ lùng xông xáo chốn này là sao!”

Nhủ rằng: “Chớ đổ nhau nao!

Qua đình Mai, thấy thơ nào bỏ rơi.

Tài này Lí, Đỗ một hai,

Xuân in cảo liễu, tuyết tươi nét tùng.

Nhời đâu thần khế, đạo đồng,

Hạnh đường bao ná, nhủ cùng được hay!”

Hoàn rằng: “Mơ mẩn ngán thay!”

Vội vàng giật lấy tiên mây trở vào.

Tuyệt mù nào thấy đâu nào,

Cành bay phấn điệp, hoa xào cánh thơm.

Mảnh riêng càng nát như tươm,

Càng ngơ ngẩn bóng, càng nâm nỉ tình.

“Chắc chi con trẻ đành hanh,

Tin sương có lọt trước mành cho chăng?

Tấc gang cách mấy mươi từng,

Không dưng hầu dễ gió Đằng cợt ai.

Chớ rằng lá thắm dòng khơi,

Một thơ kéo được tơ trời mà hay!

Kiếp xưa cũng thế nào đây?

Hoạ hoằn chăng chẳng là tay vuông tròn.

Mảnh tiên tạc lấy sắc son,

Tấc lòng đem hỏi, nước non mượn bàn.”



IX. Mời vào hầu chuyện


Bàn mê những ngóng tin nhàn,

Nhởn nhơ bỗng thấy bóng hoàn tận nơi.

Tăn măn nói nói cười cười,

Rằng: “Vâng nghiêm lệnh, rước người về sanh.”

Cảnh tình một bước một thanh,

Tắt chừng thư các, rảo quanh trì đường.

Ngoài sanh giá lục xây vàng,

Bình đan xuân vẽ, đài gương bóng lồng.

Trong sanh mở cánh phù dung,

Mắt trần luống những lạnh lùng vẻ ngân.

Ỷ trên thấy một phu nhân,

Bước vào tự lễ phân tân trước toà.

Dạy rằng: “Quê phúc gần xa?

Ấy ai thóc mách nên mà biết đây?”

Dứt lời rén rén thưa bày:

“Khi xưa dòng dõi, khi nay phong trần,

Mảng vui nước trí non nhân,

Đăng lâm trót hẹn với xuân một lời.

Cho nên trẹo nẻo lạc vời,

Phúc Giang, Phượng Lĩnh là nơi quê nhà.

Thày lay vâng chịu trót đà,

Hạnh nào lượng bể bao la muôn nhờ.”



X. Khuyên lập công danh


Nghe thôi lẳng lặng trót giờ,

Ngọc khoan khoan mới xa đưa dịu dàng,

Rằng: “Gia quân với nghiêm đường,

Chữ luân xưa cũng mối giường một hai.

Đền Thương cùng nếm vạc mai,

Cũng trong Y, Phó; cũng ngoài Tôn, Ngô.

Nấy sương vẹn bước vân cù,

Dẫn nhàn riêng chiếm thú hồ sơn đây.

Cơ trời dâu bể vần xây,

Trần Kiều biết mặt Chu này là ai.

Lửa binh rấp thủa chông gai,

Áo xiêm đổi thói, cân đai đau lòng.

Nặng nguyền hưu thích chữ đồng,

Theo chầu liệt thánh năm dòng mười dư.

Bận bùng còn chút ngây thơ,

Điền thôn quen lấy cầm thư đỡ phiền.

Dù chăng cảnh bụt làng tiên,

Với trần nghĩ đã diễn miền nước mây.

Tiền nhân túc trái sao đây?

Không dưng ngươi biết chốn này là đâu.

Mới rồi dạo tới thư lâu,

Nhẹ nhàng vừa thấy con hầu nói qua.

Khách nào la lướt yên hà,

Một mình thơ thẩn dò la hạnh đường.

Lại đưa hai bức thi chương,

Khác chiều nên bảo đón chàng vào chơi.

Lời quê trẻ nó dông dài,

Thêm hoa may lại gặp tài văn nhân.

Xem trong xướng hoạ mấy vần,

Lấy mai mà vẽ lòng xuân cần quyền.

Hay đâu là nợ, là duyên,

Là thân trước trẻ, là nguyền xưa ngươi.

Khen cho cẩm tú sắc tài,

Lạ cho con Tạo lựa người ghê thay!

Kiếp trần dây dướng dường này,

Lửa hương chờ đợi đến tay anh hùng.

Ấy nhân duyên, ấy tao phùng,

Dẫu đâu sắc sắc không không, nghĩ gì.

Lọ là nhạn cá đi về,

Lứa đôi chăng lại một kì tái lai.

Nền thi lễ cẵng dùi mài,

Tiếng khôi đừng thẹn với mai mới hào!

Duyên lành hẳn đợi giá cao,

Đất bằng sấm đã, thơ đào lại ca.

Xe duyên đành có trăng già,

Mặc dù nhân quả, chớ ra quan hoài.

Hồn mai còn nhớ đình Mai,

Cảnh quen hẳn chẳng lạ người quen đâu.

Còn non còn nước còn lâu,

Còn câu thơ ấy là câu sấm rồi.”



XI. Tỉnh dậy tay không


Đương khi từ tạ khúc nôi,

Giang thôn đâu động tiếng còi mục nhi.

Trong thuyền sực tỉnh đòi khi,

Tấc riêng dồn dã khôn suy tin ngờ.

Nào đình, nào khách, nào thơ,

Bấy giờ hồ điệp, bây giờ Trang sinh!

Cũng trong hai chữ chung tình,

Sao người thường bấy, mà mình quái thay!

Tài tình xem lại xưa nay,

Kiếp người may với chẳng may cũng nhiều.

Cuộc đời mây nổi nước triều,

Tình bao nhiêu, nhợ bấy nhiêu, hay gì.

Lấy điều mộng ảo mà suy,

Một thì là giác, hai thì là mê;

Mê chăng một lúc đi về,

Giác thì duyên ấy còn ghê sau này.

Thấy đây còn biết từ đây,

Bao giờ sao nữa lại hay bấy giờ.

Hoàn thiên tẩu bút một thơ,

Quê đâu chữa đó là nhờ tao nhân.