Khóc thị Bằng
Nguyễn Gia Thiều
Ới thị Bằng ơi đã hết rồi
Ới tình, ới nghĩa, ới duyên ơi.
Trưa hè nắng chái oanh ăn nói
Sớm ngỏ trưa sân liễu đứng ngồi.
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Mối tình muốn dứt càng thêm bận
Mãi mãi theo hoài chứ chẳng thôi.
Về tác giả bài thơ này, một số sách chép của vua Tự Đức khóc Bằng phi, một số cho rằng của Nguyễn Gia Thiều khóc khóc nàng Bằng Cơ, một người vợ lẽ của ông. Nhận định bài thơ này là của Tự Đức có lẽ bắt đầu từ Phan Khôi trong bài Nam âm thi thoại đăng trên Nam Phong tạp chí số 8 (2-1918), sau in thành sách Chương Dân thi thoại (1936) và có thể được nhiều sách dẫn lại, trong đó có Văn đàn bảo giám (Trần Trung Viên, 1926), Quốc văn trích diễm (Dương Quảng Hàm, 1925), Văn học Việt Nam (Dương Quảng Hàm, 1939).
Nhà nghiên cứu Châu Hải Đường dẫn sách Xuyết thập tạp ký 掇拾雜記 của Lý Văn Phức phần viết về Nguyễn Gia Thiều có đoạn chép “Lại có câu khóc vợ rằng: Đập cổ kính ra tìm lấy bóng; Xếp tàn y lại để dành hơi”, cho rằng Lý Văn Phức từng làm quan dưới triều Tự Đức, nên khó có thể chép nhầm việc này.
Trong Thi văn bình chú (1942), Ngô Tất Tố cũng nhận định: “Xét ra vua Tự Đức cũng ít khi làm thơ quốc âm. Coi tập Việt sử tổng vịnh và những nhời phê của ngài ở bộ Việt sử Khâm Định, thì biết tính ngài rất bệ vệ, lúc nào cũng muốn tỏ mình là đấng anh quân. Với cái tính kiểu sức ấy, chắc không khi nào ngài chịu dùng những chữ tình chữ duyên để khóc một người đàn bà. Huống chi thơ vua Tự Đức rất dở, cả tập Việt sử tổng vịnh không được mấy bài nghe được. Vậy mà bài này lại là một bài rất hay, có lẽ sức ngài không thể làm nổi.”