Khoảng trên dừng bút (gọi Tố Như)
Ngân Giang
Tố Như ơi, hỡi Tố Như!
Hai trăm năm ấy, hoa vừa dậy hương,
Tơ đàn bỗng nổi cung thương
Nghe đâu nửa khúc đoạn trường mới gieo.
Khóc mình qua tiếng khóc Kiều
Muốn chi Lê, Nguyễn hai triều một thân
Tài hoa giữa lớp bụi trần
Non xa bóng ngả, quán gần trăng soi.
Buồn nghe tiếng hạc lưng trời
Cảo thơm lần giở, khóc người thuở xưa.
“Kiều nhi phận mỏng như tờ”
Mà ai thân thế đã thừa long đong;
Bút hoa rỏ máu ròng ròng
“Trăm năm để một tấm lòng từ đây”
Tung hoành khi bó hai tay
Hùm thiêng ngã xuống, những ngày sa cơ...
Tố Như ơi, hỡi Tố Như!
Đã đành tài trí, có thừa kinh luân,
“Bắt phong trần, phải phong trần”
Từ thơ ấu đã mấy lần được vui?
Thung huyền đôi lá vàng rơi
Nỗi mình xa cách, nỗi người điêu linh.
Quan nha đây đó hoành hành
Lê dân ngơ ngác, triều đình thê lương.
Dễ buồn là khách văn chương
Một ngày gác bút, đoạn trường bao năm!
Thì làm cái việc con tằm
Dù cho ngọc trắng cát lầm phôi pha.
Riêng chi Lý, Đỗ không nhà
“Lênh đênh đâu nửa cũng là lênh đênh”
Trăng soi chếch nửa cổng thành
Trời khuya ngăn ngắt, một mình với thân.
Tố Như ơi, hỡi Tố Như!
Mưòi năm đèn sách, một giờ khoa danh!
Vừa treo mảnh áo thí sinh
Lại nhằm phải lúc triều đình đổi thay!
Ngai vàng ấy, tấm son này
Mỉm cười khôn nhẽ, cau mày khó coi!
“Người yêu ta xấu với người”
Thành xưa rêu phủ, bồi hồi rẽ cương.
Thế rồi từ đấy tha phương
Áo dài xẻ vạt, ý hương càng nồng.
Lệnh trên hạ ngục bỗng dưng
Hình hài khác thưở băng chừng lai kinh;
Còn đương u uất sự mình
May người thân thuộc xót tình cứu ra.
Trăng gần lại chếch non xa
Thác ghềnh là bạn, không nhà là thơ!
Tố Như ơi, hỡi Tố Như!
Ai cùng lỡ chuyến sang đò mới hay,
Nói chi tài, mệnh xưa nay
Dầu hao vẻ ngọc, bấc gầy ý thơ.
“Tưởng bây giờ là bao giờ”
Tâm tư người trước, những ngờ người sa.
Chênh vênh, ôi mấy nhịp cầu
Nữa mai ví có vì nhau khóc thầm!
Đêm nay khơi lại lư trầm
Đọc Kim Kiều, giọt lệ đầm khăn thêu;
Ấy ai mặt nưóc cánh bèo
Mà ai luỵ giữa hai triều vua quan!
Sông Tiền Đường để riêng oan
Huyện Nghi Xuân gánh gươm đàn bơ vơ.
Tố Như ơi, hỡi Tố Như!
Trông gương, còn ngấn lệ thừa đầy vơi.
Cuối thu 1965