Ngậm Ngùi
Huy Cận
Nắng chia nửa bãi; chiều rồi...
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau;
Em ơi! hãy ngủ... anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này;
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ...
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ...
- Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi...
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát cùng tên.
Vương Thanh: Nhiều người tưởng lầm đây là bài thơ hay là bản nhạc tình yêu vì có những câu rất ngọt ngào "Em ơi! hãy ngủ... anh hầu quạt đây/ Lòng anh mở với quạt này . Tay anh em hãy tựa đầu" .
Thiệt ra đây là một bài thơ / bản nhạc tưởng niệm một người đã qua đời. Nếu là thơ tình yêu ngọt ngào sao lại "ngậm ngùi", "vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu. / ... đã chin mấy mùa thương đau." Theo lời bài thơ, diễn giải hợp lý là nhà thơ trước mộ của người "yêu dấu" ở vườn hoang và nàng ta còn là "trinh nữ" bên cạnh bờ sông có tiếng "ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ.." và có "cây dài bóng xế", là cảnh ngoài trời, chứ không phải bên cạnh giường trong phòng ngủ.
Từ lời những bài thơ, tôi nghi ngờ không phải thơ tình yêu, mà là thơ tưởng niệm người yêu thì thấy hợp lý hơn. Tôi lên google tra về bài thơ này và đọc trong một bài viết cũng khoảng 10 năm trở lại, sư thật mới được tiết là nhà thơ Huy Cận tưởng niệm cô em gái ruột qua đời khi 10 tuổi. Chỉ đáng buồn là bao nhiêu năm nay, tác giả và nhạc sĩ Phạm Duy cũng khoog nói rõ, để những lời thơ tưởng niệm lại được nhiều độc giả và thính giả cho là lời thơ nhạc tình ái ngọt ngào.
Vì quá ngọt ngào, tôi nghĩ rằng bài thơ xem như là bài tưởng niệm người yêu quá cố cũng rất hợp lý cho dù tác giả nói là thơ tưởng niệm em gái. Có khi chính tác giả cũng là mượn cảm hứng rồi khi sáng tác thêm vào những cảm xúc và ý tưởng khác. Là thơ, diễn giải thế nào nghe thật hợp lý với lời thơ là điểm chính yếu. Giả thuyết nhà thơ Hồ Xuân Hương đính chính bài thơ "đánh đu" chỉ là tả đánh đu thôi, còn các ông nghĩ khác là sai lầm." Tôi lại cho rằng diễn giải thật hợp lý là được. Có khi bài thơ thêm những ý nghĩa mà chính tác giả khi làm cũng không nghĩ tới, chỉ có độc giả trong một tâm trạng nào đó lại nghĩ tới. Đó cũng là cái điểm hay và thú vị của văn chương.