Nguyễn Văn Đông
Nguyễn Văn Đông (15 tháng 3 năm 1932–26 tháng 2 năm 2018) nguyên là một sĩ quan bộ binh cao cấp trong Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, mang cấp bậc Đại tá, khởi binh nghiệp từ thời Quốc gia Việt Nam. Đồng thời, ông được nhiều người biết đến với tư cách là nhạc sĩ nổi tiếng qua rất nhiều nhạc phẩm tiêu biểu như "Chiều mưa biên giới", "Hải ngoại thương ca", "Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp", "Mấy dặm sơn khê", "Phiên gác đêm xuân", "Sắc hoa màu nhớ",... Các nghệ danh của ông là Vì Dân, Phượng Linh, Phương Hà, Đông Phương Tử, Thùy Linh, Hoàng Long Nguyên (trước 1975) và Anh Nguyên (sau 1975).
Thời gian học tại Trường Thiếu sinh quân Đông Dương, ông được học nhạc với các giảng viên âm nhạc Học viện Âm nhạc Paris sang giảng dạy. Năm 15 tuổi, ông trở thành thành viên của ban quân nhạc thiếu sinh quân, học cách sử dụng nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Năm 16 tuổi, ông đã có những sáng tác đầu tay như "Thiếu sinh quân hành khúc", "Tạm biệt mùa hè",...[3] Nhạc sĩ chơi kèn trumpet, kèn clairon, trống, chập chả, mandoline, Hạ Uy cầm,...[3]
Nguyễn Văn Đông lấy binh nghiệp làm chính, xem âm nhạc là nghề tay trái.[3] Dù vậy, ngay từ cuối thập niên 1950 ông đã nổi tiếng khi là Trưởng Đoàn văn nghệ Vì Dân với thành phần ca nhạc sĩ tên tuổi như Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Quách Đàm, Minh Diệu, Khánh Ngọc và các nghệ sĩ danh tiếng như Kim Cương, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy Xê, Trần Văn Trạch, diễn viên điện ảnh Trang Thiên Kim,...[3] Ông đã tổ chức và điều khiển các chương trình đại nhạc hội tại Sài Gòn và khắp các tỉnh của Việt Nam Cộng hòa. Từ năm 1958, ông là Trưởng ban ca nhạc Tiếng Thời Gian của Đài Phát thanh Sài Gòn, gồm những danh ca, nhạc sĩ danh tiếng như Lệ Thanh, Hà Thanh, Minh Diệu, Khánh Ngọc, Mạnh Phát, Thu Hồ, Quách Đàm, Anh Ngọc,... Năm sau, ông là Trưởng ban tổ chức Đại hội thi đua Văn nghệ toàn quốc ở cấp Quốc gia, đã quy tụ trên 40 đoàn văn nghệ đại diện Việt Nam Cộng hòa cùng tranh giải suốt 15 ngày đêm tại Sài Gòn. Ông cũng từng nhận giải Âm nhạc Quốc gia do Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân trao tặng.[3]
Ông đã đào tạo hai học trò thành ca sĩ nổi tiếng, được đông đảo người yêu thích nhạc vàng biết đến, đó là Thanh Tuyền và Giao Linh. Ông phát hiện Thanh Tuyền từ khi bà còn là nữ sinh trung học ở Đà Lạt, gầy dựng nền tảng cho sự nghiệp lừng lẫy của bà sau này. Những năm sau đó, ông lại thu nhận thêm gương mặt mới Giao Linh, rèn giũa và lăng xê bà với bản hợp đồng độc quyền qua hãng Continental.[17] Sau này, cả hai giọng ca đều là tượng đài của dòng nhạc vàng.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông dùng lời lẽ sau để nói về giọng hát của Hà Thanh khi biểu diễn nhạc của ông: "Hà Thanh đã tạo thêm những nốt luyến láy rất truyền cảm, rất mỹ thuật làm cho bài hát của tôi thêm thăng hoa, trong giai điệu cũng như trong lời ca. Tôi cho rằng khi hát cô Hà Thanh đã sống và cùng đồng điệu sẻ chia với tác giả khi trình bày một bản nhạc có tầm vóc nghệ thuật."[18] Hà Thanh cũng phát biểu với báo chí đương thời rằng "air" nhạc của ông hợp với chất giọng của bà.[4]
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, vì là một sĩ quan cao cấp của chính thể cũ nên ông bị bắt đi học tập cải tạo, bắt đầu từ trại Suối Máu (tức trại Tam Hiệp, ở Biên Hòa, Đồng Nai), tới năm 1978[5] thì bị đưa về giam ở khám Chí Hòa. Đầu năm 1985, ông được trả về với lý do "đương sự bị bệnh sắp chết", cho "đem về nhà chôn cất".[6] Khi đó ông thuộc danh sách ưu tiên đi định cư Hoa Kỳ diện H.O. nhưng vì sức khỏe đã tàn tạ, nghĩ rằng không thể sống thêm nên ông rút hồ sơ hòng qua đời tại quê hương. Tuy nhiên, may mắn nhờ các loại tân dược hữu hiệu nên sức khỏe được phần hồi phục, đến năm 1995 ông đã có thể đứng được mà không cần chống nạng.[8][19] Ông sống thầm lặng tại quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh cùng vợ là bà Trần Thị Nguyệt Thu, cựu nhân viên hãng dĩa Continental.[3]
Một thời gian dài, toàn bộ sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bị nhà đương cục cấm lưu hành, phổ biến. Dần dà khi Việt Nam trở nên cởi mở hơn, năm 2003, Cục Nghệ thuật biểu diễn nước này cấp phép lưu hành khoảng 24 ca khúc.[chú thích 4][19] Năm 2017, ca khúc đắc ý "Chiều mưa biên giới" mới được cấp phép.[20] Một điều ít biết là bài "Chiều mưa biên giới" đã theo các dĩa hát phát tán đi nhiều nơi ở nước Việt Nam thống nhất kể từ sau năm 1975; có chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã nghe ca khúc này và thêm lòng tin chiến đấu ngay trong giai đoạn Chiến tranh biên giới Việt–Trung năm 1979.[21]
Suốt hàng chục năm ông không hoạt động nghệ thuật. Giai đoạn ở trại Suối Máu, ông cảm tác bài "Sài Gòn trong trái tim tôi".[22] Bài "Sài Gòn trong trái tim tôi" và "Chào đất nước tự do và hy vọng" được ông tập cho Hà Thanh hát năm 1999 khi gia đình bà về Việt Nam lo việc riêng. Về Hoa Kỳ, Hà Thanh đã chép lại và được tác giả đề nghị đề nghệ danh là Anh Nguyên.[23] Sáng tác cuối cùng của ông là bài "Việt Nam quê hương lộng lẫy". Cuối thập niên 1990, ông hướng dẫn hát và sáng tác cho ca sĩ Trần Tuấn Kiệt quê Sa Đéc, Đồng Tháp và đây được coi là học trò thứ ba của ông.[24][25]
Vào hồi 19 giờ 30 phút ngày 26 tháng 2 năm 2018, Nguyễn Văn Đông qua đời tại bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 86 tuổi.[1] Tro cốt của ông được rải xuống biển Vũng Tàu thể theo di nguyện.[24]
Cuối tháng 4 năm 2018, Trung tâm Thúy Nga đã thực hiện chương trình Paris By Night 125 - Chiều mưa biên giới để vinh danh dòng nhạc và tưởng niệm ông.[chú thích 5][9]