Vài Cảm Nhận về Thi Hữu Vương Thanh — Thi Nhạc Sĩ Yên Sơn
Vài Cảm Nhận về Thi Hữu Vương Thanh…
Poet & Musician Yên Sơn
Một tài năng trẻ, một đứa con Việt hiếm có.
Tình cờ tôi được Văn Thi Hữu (VTH) trên một diễn đàn Việt ngữ chuyển tới bản dịch Truyện Kiều của Thi Hữu Vương Thanh. Phải công nhận ngay đây là một công trình dịch thuật nổi bật, quý hiếm. Với 3254 câu thơ lục bát được dịch ra một cách thông suốt, lưu loát, đầy thi vị văn chương qua 191 trang Anh/Việt đối chiếu.
Nói đến Truyện Kiều, hay còn gọi là Kim Vân Kiều, một áng văn chương bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du mà không người Việt Nam nào không nghe qua. Dịch Truyện Kiều, từ trước đến nay tôi cũng đã có nhiều cơ hội đọc các bản dịch của quý vị giỏi Anh ngữ khác. Cũng cùng một cốt truyện nhưng mỗi người có một lối dịch khác nhau.
Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là một tác phẩm văn chương có chỗ đứng rất cao trong văn học sử nước nhà; thế nhưng thời gian ra đời của Truyện Kiều … Cho đến nay, cũng chưa có tài liệu nào khẳng định chắc chắn là nó đã ra đời vào thời gian nào. Có nguồn nói sau khi Cụ Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc về hoảng sau năm 1813; có nguồn lại nói trong thời gian Cụ làm quan cho Nhà Nguyễn (1802-1809); và cũng có nguồn nói Cụ đã viết trong những năm còn sống ẩn dật tại quê nhà (1796-1802); và thêm một nguồn khác lại cho rằng, Cụ đã viết trong thời gian sống ở quê vợ tại Thái Bình (1786-1796).
Truyện Kiều nổi tiếng đến độ Kỹ Sư Nguyễn Ngọc Bảo, nguyên Hội trưởng Hội Văn Hoá Khoa Học Houston, đã tuyên bố, “Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn” trong buổi giảng dạy đặc biệt về Văn Chương Việt Nam cho sinh viên Việt Nam, 3 tín chỉ nhiệm ý, do trường Đại Học Houston chủ trương trong chương trình cử nhân.
Bây giờ xin nói sợ lược – vâng chỉ có thể sơ lược - về tác giả Vương Thanh và công trình dịch thuật đặc biệt nầy.
Dường như cái tên Vương Thanh tôi đã thoáng gặp, thoáng nghe đâu đó trên văn đàn Việt Nam hải ngoại thời gian sau nầy, nhưng thực sự đây là lần đầu tiên tôi nhận được một tác phẩm đồ sộ của Vương Thanh. Mới nhìn lướt qua Tuyển Tập, tôi đã hình dung Vương Thanh phải là một cụ đồ thâm nho nào đó, một lão tiền bối thông suốt văn chương Việt và giỏi Anh ngữ nào đó mà kiến thức chật hẹp của tôi chưa đủ duyên biết tới. Thế nhưng khi đọc kỹ tập sách mới biết Vương Thanh là một người ở thế hệ 6X. Thật vô cùng kinh ngạc và thán phục! Không thán phục sao được khi tôi đã ở Mỹ gần nửa thế kỷ mà không dịch nổi cho mình một bài thơ, một đoản văn do chính mình viết; trong khi đó, Vương Thanh dịch một tác phẩm danh tiếng của một đại văn hào với 3254 câu!
Không dừng lại ở đây, tập Truyện Kiều riêng nó đã chiếm gần 200 trang giấy khổ lớn với Anh Việt đối xứng, còn lại hơn 200 trang khác gồm nhiều tác phẩm Thư Hoạ của các tài danh gồm có cố VTH Vũ Hối, thơ nhạc của chính anh và rất nhiều văn thi hữu, nhạc sĩ tên tuổi trên thi văn đàn Việt Ngữ hải ngoại. Tôi còn choán ngợp với nhiều công trình to tát khác của anh gồm 2 tập thơ, nhạc song ngữ:
1. A Garden of Vietnamese Lyrics & Verse, Bilingual Edition, compiled and translated by Vương Thanh (2019). Sách dày hơn 600 trang, gồm 100 thi sĩ và nhạc sĩ, khoảng 150 bài thơ, nhạc được chuyển qua tiếng Anh, và trong đó có bản dịch tác phẩm lừng danh Hịch Tướng Sĩ của Đức Thánh Trần.
2. 40 Selected Songs by Vĩnh Điện, Bilingual Edition, translated by Vương Thanh (2020).
Thật là một tài năng hiếm có! Xin trân trọng giới thiệu thi hữu Vương Thanh đến quý văn thi hữu. Rất mong được sự ủng hộ mạnh mẽ của quý vị để giúp anh đạt được hoài bão, “Bảo tồn văn hóa Việt và chia sẻ cái Đẹp Tuyệt Vời của thi ca Việt với phương Tây.” Mà theo tôi nghĩ, hoài bão của Vương Thanh cũng chính là hoài bão chung của những người con Việt cầm bút tại hải ngoại.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là lời cám ơn chân tình gửi đến thi hữu Vương Thanh đã đề tặng cho tôi vài tác phẩm điện tử của thi hữu và đã có nhã ý cho tôi góp mặt khiêm nhường trong công trình dịch thuật đồ sộ của Thi Hữu. Đặc biệt được cùng thi hữu góp công, tiếp sức trên con đường bảo tồn và phát huy văn hoá Việt đến bạn bè ngoại quốc.
Trân trọng,
Yên Sơn
ngày 27.01.23, Kingwood, Texas