Thông Vận Trong Thơ

Có những câu thơ lục bát hay tứ tuyệt, tưởng như là lạc vận (sai vần) , nhưng thiệt ra là tác giả áp dụng phép thông vận ( những vần thông nhau ) trong bài thơ . Có lẽ phân tích từ phương diện ngôn ngữ học thì những âm này rõ ràng là không cùng vần với nhau như chữ "trung" với chữ  "hồng" , nhưng trên phương diện làm thơ tiếng Việt, và ngay cả tiếng Hoa, thì đó chính là áp dụng phép thông vận, những vần thông nhau trong câu thơ .

Hôm nay lấy thơ của những bậc tiền bối để dẫn chứng cho những âm nhìn tuy khác khá nhiều nhưng lại  thông vần nhau . Nghĩ cho cùng thì làm thơ cũng nên khoan khóai một chút, đâu cần chữ phải chan chát vần điệu với nhau, vậy thì quá gò bó, tự mình dùng dây buộc mình rồi. 🙂  

Một số  chữ /âm nhìn thì khác nhiều nhưng là  thông vần:

1.  ( "ơi/ "ai")  ( vời / ngài )

Vân xem trang trọng khác "vời"

Khuôn trăng đầy đặn, nét "ngài" nở nang ...  (Nguyễn Du)

 hay là : 

Cỏ non xanh tận chân "trời"

Cành lê trắng điểm một "vài" bông hoa ... (Ng. Du)


2.  ( "ang", "ương")  :  (trang/nhường)

Hoa cười ngọc thốt đoan "trang"

Mây thua nước tóc, tuyết "nhường" mầu da  ... (Nguyễn Du)

Khúc đâu Hán Sở chiến "trường"

Nghe ra tiếng sắt, tiếng "vàng" chen nhau  ... 

Vì chàng tay chuốc chén "vàng"

Vì chàng điểm phấn đeo "hương" não nùng    (Chinh Phụ Ngâm)


3.  ("inh",  "anh") : ( minh / tanh )

hai âm này nghe có vẻ khác nhiều, nhưng  một số âm được coi như là  thông vần, để giúp nhà thơ dễ dàng chuyển vần. 🙂

"Rằng, sao trong tiết Thanh "Minh"

Mà đây hương khói vắng "tanh" thế này ...  (Ng. Du)

Phòng không lạnh ngắt như tờ

Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ "xanh"

Khóc than khôn xiết sự "tình"       (Ng. Du)

Rêu xanh mấy lớp chung "quanh"

Dạo sân một bước trăm "tình" ngẩn ngơ    (Chinh Phụ Ngâm)


4 . ("ung", "ông")  : (trung/hồng)

Khứ niên kim nhật thử môn "trung"

Nhân diện đào hoa tương ánh "hồng"  (Thôi Hộ) 

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời "chung"

Phũ phàng chi mấy hóa "công"         (Ng. Du)

Nào người phượng chạ loan "chung"

Nào người tích lục tham "hồng" là  ai ...  (Ng. Du)


Vương Thanh

tháng 4.2023