Những Phiên Bản Hồ Trường Của Nguyễn Bá Trác và Bản Dịch Tiếng Anh
Những Phiên Bản Hồ Trường Của Nguyễn Bá Trác và Bản Dịch Tiếng Anh
Vương Thanh
Xem bài viết trên Đặc San Lâm Viên
Nguyễn Bá Trác (Nguồn: DSLV)
Những người yêu văn chương Việt, không mấy ai không biết bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác. Tiếc là có rất nhiều phiên bản khác nhau được lưu truyền trên mạng. Sở dĩ có nhiều tam sao thất bổn như thế, cũng hơn chục bản khác nhau, là vì phiên bản đầu tiên được TS Nguyễn Bá Trác đăng trên Nam Phong Tạp Chí năm 1920 chẳng những sai khá nhiều chính tả còn bị thiếu sót vài chữ và có nhiều câu nghe kém xa những phiên bản sau này. Như “vỗ tay, nghiêng đầu” trong bản đầu tiên thay vì “vỗ gươm, nghiêng bầu” trong bao nhiêu phiên bản về sau. Tôi tin rằng thi sĩ Nguyễn Bá Trác đã sửa bài thơ lại, có thể vài lần, thay đổi ít nhiều câu cho bài thơ hay hơn. Nên chẳng có ai dùng phiên bản trên Nam Phong Tạp Chí, những khi cao hứng ngâm nga Hồ Trường.
Hồ Trường là một bản dịch phóng tác của thi sĩ Nguyễn Bá Trác (NBT) từ lời bản nhạc “Nam Phương Ca Khúc” của Trung Hoa. Cho đến bây giờ không ai biết tác giả ca khúc này là ai. Bài thơ Hồ Trường khác nguyên tác Nam Phương Ca Khúc (NPCK) khá nhiều. Hai chữ “hồ trường” là do thi sĩ NBT đặt ra, không có trong NPCK. Câu cuối của “Hồ Trường:” là “hà tất cùng sầu đối cỏ cây”. Còn NPCK lại là: “hà tất cùng sầu khấp phần tử” nghĩa là “cớ gì sùi sụt sầu cố hương." Những câu “hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu” là do TS NBT thêm vào, không có trong NPCK. Còn những câu “Rót về biển đông, ...” thì trong NPCK là “Dư thương trịch hướng đông minh thuỷ” nghĩa là “ta quăng chén rượu đầy trộn nước biển đông”. Nhiều sự khác biệt như thế, cho nên chúng ta chỉ nên dùng NPCK để tham khảo chứ không nên dùng nó để quyết định sự chọn lựa những câu thơ của Hồ Trường.
Chắt lọc từ những phiên bản khác nhau để chọn ra những câu thơ mà tôi nghĩ rằng hay nhất và hợp lý nhất cho bài thơ Hồ Trường qua sự nhận xét của một nhà thơ trên phương diện vần điệu và ý nghĩa của từng câu thơ trong Hồ Trường, tôi xin đưa ra phiên bản sau đây, kèm với lời bàn cho sự khác biệt của những phiên bản Hồ Trường. Nếu bạn đọc thấy phiên bản này hợp ý, thì xin tự nhiên dùng, không cần nhắc đến tôi, chỉ cần để tên tác giả là Nguyễn Bá Trác. Phiên bản này thuận tay viết ra cũng chỉ khác chút đỉnh với bản ngâm của nghệ sĩ Tôn Nữ Lệ Ba và thi nhạc sĩ Yên Sơn.
Hồ Trường - Nguyễn Bá Trác
Đại trượng phu không hay xé gan, bẻ cật phù cương thường
Hà tất tiêu dao bốn bể lưu lạc tha hương
Trời Nam nghìn dặm thẳm
Non nước một màu sương
Chí chưa thành, danh chưa đạt
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang, ai người tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường
Hồ trường! Hồ trường! Ta biết rót về đâu?
Rót về đông phương, nước biển đông chảy xiết sinh cuồng loạn
Rót về tây phương, mưa Tây Sơn từng trận chứa chan
Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vi vút cát chạy, đá giương
Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng
Nào ai tỉnh, nào ai say
Chí ta ta biết, lòng ta ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây
Nguyễn Bá Trác
Nhận xét và thảo luận về những chỗ khác nhau trong những phiên bản.
Đại trượng phu không hay xé gan, bẻ cật phù cương thường
Có những phiên bản chỉ để là « trượng phu ». Xét về âm điệu và ý nghĩa, cụm từ « Đại trượng phu » nghe mạnh mẽ, khí phách hơn. Bản ngâm tuyệt vời của Tôn Nữ Lệ Ba, nghe nói được ái nữ của Nguyễn Bá Trác nhờ thực hiện, cũng dùng « đại trượng phu ».
Có nhiều phiên bản để là « bẻ cột » và cũng nhiều phiên bản để là « bẻ cật » Xét từ phương diện thơ, thì đã dùng cụm từ « xé gan » rồi sao không « bẻ cật » cho đối, lại cũng nghe tự nhiên hơn, cùng là bộ phận trong cơ thể con người. Đã xé gan còn kéo cái cột nhà vào để bẻ làm gì.
Cụm từ « xé gan, bẻ cột » lấy từ nguyên tác Nam Phương Ca Khúc « phi can chiết hạm », nhưng đó là NPCK chứ không phải Hồ Trường một bản dịch phóng tác , khác rất nhiều với NPCK. Cho nên không thể dùng NPCK để quyết định nên dùng cái gì.
Từ « bẻ cột » lấy từ điển tích thưở xa xưa của Trung quốc về một vị quan. Chu Vân khuyên nhà vua giết một người tham quan. Nhà vua tức giận sai chém Chu Vân. Chu Vân uất ức bám tay vào cột điện và bẻ gẫy. Nhân lúc lộn xộn, Chu Vân trốn thoát. Về sau, nhà vua biết Chu Vân vì lòng trung nên tha tội. (nguồn : thivien.net)
Xét từ phương diện Thơ, tôi nghĩ rằng : đã xé gan thì nên bẻ cật, vừa đối, vừa nghe hay hơn, hà tất lôi kéo điển tích xa xưa của Trung Hoa không mấy ai biết, chả mấy ai nhớ, vào bài Hồ Trường để làm gì. Bản ngâm của Tôn Nữ Lệ Ba, của thi nhạc sĩ Yên Sơn dùng « bẻ cật ».
Hà tất tiêu dao bốn bể lưu lạc tha hương
Có những bản để là « luân lạc » thay vì « lưu lạc ». Có bản để là « tha phương » thay vì « tha hương » . Tôi thấy cái nào nghe cũng hay, nên không có ý kiến nên chọn cái nào hơn cái nào.
Trời Nam nghìn dặm thẳm
Có bản dùng « ngàn » thay vì « nghìn ». Xét về âm điệu, chữ « nghìn » nghe nặng hơn. Trong bài thơ « Anh Khí Nghìn Thu » của tôi có câu « Dư đồ từng tấc, Hồn Dân Tộc / Anh Khí Nghìn Thu Rạng Nước Nam » . Trong 2 câu thơ trên, tôi cũng cân nhắc nên dùng Ngàn Thu Hay Nghìn Thu và thấy chữ « nghìn thu » nghe mạnh hơn, hợp ý bài thơ hơn. Trong bài « Hồ Trường » thì tôi thấy, « ngàn » hay là « nghìn » đều được, tùy theo nhà thơ thích ngâm nga chữ nào hơn. Chữ « ngàn » âm nghe nhẹ hơn, có thể ngân kéo dài hơn. v.v.
Non nước một màu sương,
Có vài bản để là « mây nước » thay vì « non nước ». Xét về ý nghĩa thì « non nước » hay hơn. Vì non nước cũng hàm nghĩa đất nước, giang sơn. Hầu hết phiên bản dùng « non nước ».
Chí chưa thành, danh chưa đạt
Có bản để là « chí chưa thành, danh chẳng đạt ». Tôi thấy « chưa/chẳng » cái nào cũng được.
Có bản để là « chí không thành, danh chẳng đạt » . Tôi thấy « không thành/chưa thành » đều được.
Có bản để là « học chưa thành, công chưa lập ». Tôi thấy chữ « lập » không cùng vần với chữ « đạt » ở câu sau, nên không hay bằng mấy bản ở trên. Hơn nữa ý cảnh của « chí chưa thành » theo tôi thì hay hơn là « học chưa thành ».
Bản ngâm thơ của nghệ sĩ Tôn Nữ Lệ Ba và của thi nhạc sĩ Yên Sơn là « chí chưa thành / danh chưa/chẳng đạt »
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc (câu này hầu như mọi phiên bản nào cũng giống nhau.)
Trăm năm thân thế bóng tà dương (câu này hầu như mọi phiên bản nào cũng giống nhau.)
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi
Có bản để là « vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi » như bản Nam Phong Tạp Chí đầu tiên và của Nam Phương Ca Khúc. Như đã nói « Hồ Trường » là phóng tác, không thể dựa NPCK để quyết định và phiên bản Nam Phong Tạp Chí rất nhiều chỗ sai, thí dụ « chí ta ta biết , lòng ta hay », thiếu một chữ, nên là « lòng ta ta hay » . Cho nên cũng không thể dùng phiên bản NPTC.
Xét về ý cảnh của câu thơ, dùng « vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi » thì hay hơn « vỗ tay, nghiêng đầu » nhiều. Cho nên hầu hết những phiên bản trên mạng đều dùng « vỗ gươm, nghiêng bầu ».
Trời đất mang mang, ai người tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường
Có bản để là « ai là tri kỷ ». Xét về ý nghĩa của câu thơ, cũng có chút khác biệt. « Ai người tri kỷ » nghe hay hơn. « Ai là tri kỷ, ... » có chút hàm ý nói những ai không phải bạn tri kỷ thì chớ lại đây. Còn « ai người tri kỷ, ... » thì là: « những người bạn tri kỷ của ta (ở nơi nào đó) hãy lại đây cùng ta ... »
Hồ trường! Hồ trường! Ta biết rót về đâu? (câu này hầu như phiên bản nào cũng giống nhau.)
Rót về đông phương, nước biển đông chảy xiết sinh cuồng loạn
Có một số bản để là « cuồng lạn » . Bản Nam Phong Tạp Chí để là « cuồng lạn ». Tôi nghĩ là chính tả sai, vốn nên là « cuồng lan » nghĩa là « sóng dữ », như trong Nam Phương Ca Khúc vì chữ « lạn » không có ý nghĩa.
Theo tôi thấy thì bản dịch qua tiếng Việt nên dùng từ tiếng Việt hoặc dùng những từ hán-việt thông thường, chứ dịch mà còn để nhiều tiếng Hán Việt cao thâm quá, chẳng bao nhiêu người biết « cuồng lan » nghĩa là « sóng dữ » thì bản dịch đó còn thiếu sót, chưa dịch hết qua tiếng Việt.
Chữ « lạn » không có ý nghĩa, nên nhiều người đã đổi « cuồng lạn » thành « cuồng loạn » và nhiều phiên bản dùng « cuồng loạn ». Nước chảy cuồng loạn thì cũng một phần nào nói lên sóng gió dữ dội. Cho nên tôi thấy thôi thì dùng « cuồng loạn » đi, dùng thanh trắc thay vì thanh bằng nghe âm điệu có phần hay hơn, giống như trong tứ tuyệt thay vì dùng « cuồng lan » mà người nghe sẽ rất nhiều người không hiểu nghĩa là gì.
Rót về tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan
Có phiên bản để là « ...mưa phương tây từng trận... ». Tôi nghĩ « mưa Tây sơn » nghe hay hơn một chút, chỉ lập lại một chữ « tây », và cùng ý nghĩa với bản trong NPCK và bản NPTC 1920.
Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vi vút cát chạy, đá giương
(lớp sóng) cát chạy, đá giương (nhô lên) - phiên bản này Tôn Nữ Lệ Ba và TNS Yên Sơn dùng ngâm thơ.
Cũng có nhiều bản để là « đá chạy, cát giương » . Cát giương « nhô lên » thì có ý nghĩa gì.
Lại có bản để là « đá chạy, cát dương » như trong bản đầu tiên của Hồ Trường năm 1920. Giống bản nguyên tác NPCK « dương sa tẩu thạch » nghĩa là « cát lăn, đá chạy ». Nhưng đó là cụm từ hán việt hoàn toàn. Còn nếu để là « đá chạy, cát dương » thì lại nửa việt, nửa hán, chữ cát là việt, chữ dương là hán việt, ghép lại « cát dương » rồi nói là « cát lăn » nghe không xuôi chút nào.
Nếu đổi thành lớp sóng cát chạy, đá nhô lên (cát chạy, đá giương) nghe cũng rất thông. Giống như NPCK để là « vỗ tay, nghiêng đầu » thì Hồ Trường là « vỗ gươm, nghiêng bầu » thì sự thay đổi từ « dương sa tẩu thạch: cát lăn, đá chạy » qua « lớp sóng cát chạy, đá giương (nhô lên) » cũng hợp lý.
Rót về nam phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng (bản nào cũng giống nhau.)
Nào ai tỉnh, nào ai say (bản nào cũng giống nhau.)
Chí ta ta biết, lòng ta ta hay
Bản ngâm của nghệ sĩ Tôn Nữ Lệ Ba hơi khác lạ: « lòng ta ta biết, chí ta ta hay ». Xét về vần điệu, Nghe không êm xuôi bằng « chí ta ta biết, lòng ta ta hay ... » và hầu hết phiên bản đều dùng bản sau.
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Có bản để là « ở hồ thỉ ». Xét khía cạnh vần điệu « ư hồ thỉ » nghe hay hơn, nghêu ngao hơn. Tuy thất tam ngũ bất luận trong thất ngôn, nhưng dùng thanh bằng ở vị trí chữ này nghe êm xuôi hơn. Hầu hết phiên bản khác đều dùng « ư hồ thỉ ».
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây
Có bản để là « với cỏ cây ». Hầu hết phiên bản đều dùng « đối cỏ cây » và bản Nam Phong Tạp Chí 1920 cũng dùng « đối cỏ cây ».
Bản ngâm thơ của Nghệ Sĩ Tôn Nữ Lệ Ba:
https://www.youtube.com/watch?v=m5SNWom7k_Y
Bản ngâm thơ của Thi Nhạc Sĩ Yên Sơn:
http://thovanyenson.com/?p=13478
Hai chữ « hồ trường » nghĩa là gì:
Hồ trường là cụm từ thi sĩ Nguyễn Bá Trác chế ra khi dịch Nam Phương Ca Khúc.
Từ những câu thơ « hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu », và câu « ...cùng ta cạn một hồ trường », « nghiêng bầu mà hỏi », tôi nghĩ rằng có thể hiểu hồ trường là bầu rượu, một vật thân thương của người hào kiệt uống rượu và gửi gấm tâm tình. Sau đây là bản dịch Hồ Trường qua tiếng Anh được viết sau khi Vương Thanh thưởng thức khúc ngâm Hồ Trường đầy cảm khái của TNS Yên Sơn.
Wine Flagon Song
Translated by Vuong Thanh from “Bài Ca Hồ Trường”
A great man, if he does not choose to suffer hardships to support righteousness,
why would he then lives a hard, wandering life in foreign lands away from home,
Gazing toward the South, thousands of miles away,
the mountains and rivers are covered in a misty fog.
Aspirations and honor not yet achieved,
A hundred years of human life just like the fading sunset.
Tapping my sword, singing to its beat,
tilting the wine flagon, I ask the Sky
“In this vast and misty world,
who’s a friend of the heart
do come here and with me
we’ll drink up this flagon of wine till it’s empty!
O wine flagon, O wine flagon!
To where should I pour the wine?
Pouring to the East, the waters in the East sea flow tumultuously,
Pouring to the West, the rains pour down heavily on the West mountains.
Pouring to the North, the strong north wind causes sandstorms
and rocks exposing!
Pouring to the South, the South is dark with heavy gloom.
There’s a person who overdrinks with total abandon,
like a man feeling crazy or becoming unrestrainedly wild.
Who’s really sober… Who’s really drunk in this life.
My aspirations, only I understand. My heart, only I know.
A young man’s glory is to be reached by using bow and arrow.
No reason to face tree and grass with a heart of sorrow.
Phiên bản trên Nam Phương Tạp Chí, 1920 (lỗi chính tả, thiếu chữ được in màu đỏ, nguồn thivien.net:)
Lời ca Hồ trường
Trượng phu không hay sé gan bẻ cột phù cương thường; (vt : xé)
Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương
Trời nam nghìn dậm thẳm, mây nước một mầu sương (vt : dặm)
Học không thành, danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thể bóng tà dương. (vt : thế)
Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?
Rót về đông phương, nước bể đông chẩy xiết sinh cuồng lạn; (vt : chữ lạn không có ý nghĩa, có lẽ là cuồng lan : sóng dữ)
Rót về tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan
Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vì vụt, đá chạy cát dương; (vt : vi vút mới đúng)
Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng
Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta hay (vt : thiếu chữ : lòng ta ta hay)
Nam nhi sự ngiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây. (vt : sự nghiệp)
Nguyên tác Nam Phương Ca Khúc và bản dịch nghĩa (nguồn : thivien.net, biên khảo gia Phạm Hoàng Quân phiên âm và dịch nghĩa)
Nam phương ca khúc
Phiên âm:
Trượng phu sanh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường
Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử hương
Hồi đầu nam vọng mạc vô cực hề, thiên vân nhất sắc đồ thương thương
Lập công bất thành, học bất tựu, thiếu tráng hữu cơ thời hề, toạ thị bách niên thân thế khu âm dương
Phủ chưởng cuồng ca vấn tư thế, mang mang thiên địa, an đắc tri nhất tri kỷ hề, thí lai đối chước hữu dư thương.
Dư thương trịch hướng đông minh thuỷ, đông minh chi thuỷ vạn đội khởi cuồng lan
Dư thương trịch hướng tây sơn vũ, tây sơn chi vũ nhất trận hà uông dương
Dư thương trịch hướng bắc phong khứ, bắc phong dương sa tẩu thạch phi thù phương
Dư thương trịch hướng nam thiên vụ, vụ trung hữu nhân khai khẩu nhất ẩm cừ nhiên tuý
Thiên địa vũ trụ hồn tương vong, dư bất tuý hĩ, dư hành dư chí
Nam nhi tự cổ sự tang bồng, hà tất cùng sầu khấp phần tử
Dịch nghĩa:
Kẻ trượng phu sống mà không vạch gan, bẻ cột lo giềng mối cho đời
Rong chơi bốn biển, quê hương ở nơi đâu?
Quay đầu trông về nam, miệt mù vậy hỉ! Trời mây nối màu xanh ngắt
Lập công chẳng được, học không xong, trai trẻ có bao lâu, ngồi ngó trăm năm, thân đuổi cuộc sớm chiều.
Vỗ tay hát khùng, hỏi đời kia, đất trời mờ mịt vậy, một người tri kỷ tìm ở đâu, thử đến giúp ta rót chén rượu này
Ta quăng chén rượu đầy trộn nước biển đông, nước biển đông nổi cuộn vạn lớp sóng
Ta quăng chén rượu đầy vào mưa núi tây, mưa núi tây một trận sao lênh láng
Ta quăng chén rượu đầy đuổi theo gió bắc, gió bắc tung cát lăn đá bay nơi khác
Ta quăng chén rượu đầy vào mây mù trời nam, trong mây mù có người há miệng điềm nhiên say tràn
Trời đất dọc ngang đều mất hết, sao ta không say, chí ta thời ta làm
Từ xưa nam nhi đuổi theo tang bồng, cớ gì sùi sụt sầu cố hương.
Vương Thanh
Hồng Thành, 06-03-2023