Nhàn Luận Về Thư Pháp
Vương Thanh
Bốn món ăn chơi của bậc văn nhân tài tử đất Việt xưa nay là cầm, kỳ, thi, họa (đàn, cờ, thơ, vẽ tranh). Gốc của những trò chơi phong nhã này là từ Trung Hoa mà ra, nhưng có chút khác biệt. Của Trung Hoa vốn là "cầm kỳ thư họa". Thư là thư pháp, là nghệ thuật viết chữ cho đẹp. Nhưng qua Việt Nam, thì biến chữ "thư" thành "thi" (thơ). Cũng rất hợp tình hợp lý. Như 12 con giáp vốn không có con mèo, bên Tàu là con thỏ (thố) qua Việt Nam thì thành con mèo (meo meo) quen thuộc.
Tối nay, mình sẽ ghi lại một chút kiến thức ít ỏi sẵn biết về thư pháp. Thư pháp hẳn là đã có chắc cũng phải trên 2500 năm trước. Vì Khổng Tử cũng sinh khoảng thời gian đó. Mà thời đó đã có chữ viết, có âm nhạc, và Khổng Tử cũng truyền bá đạo của người quân tử, và thục nữ, và rất chú trọng nghi lễ, thì lẽ nào lúc đó lại không có thư pháp. Sự tôn trọng cái Đẹp hẳn là đã từ muôn đời, và thư pháp là phát huy cái Đẹp của chữ viết.
Chữ Tàu tượng hình, nhiều nét khác nhau : móc, thẳng, cong, ngang,v..v, có chỗ nét dày, nét mỏng thì mới đẹp và làm chữ viết dễ đọc. Nên thư pháp rất quan trọng. Thời xưa đi thi khoa cử, văn hay nhưng chữ cũng phải tốt, nên mới có cụm từ "văn hay, chữ tốt". Mình tin chắc rằng không có trạng nguyên, bảng nhãn, hay thám hoa, thậm chí tú tài mà chữ viết lại không đẹp, hay đẹp dưới tiêu chuẩn. Còn chữ mà như gà bới thì khỏi nói, dù văn chương có hay đến đâu đi nữa, thì sẽ không được dùng, người đó về nhà lo việc cày ruộng hay buôn bán đi thôi.
Cho nên thư pháp hồi xưa với người học trò có mục tiêu đi thi khoa cử lấy công danh, ra làm quan, góp sức giúp đời làm quan phụ mẫu dân chúng hay mưu đồ dường dài làm than quan gom tiền vào túi, cũng phải gia công rất nhiều tập luyện thư pháp cho đẹp, nét chữ cho rồng bay phượng múa. Trong thơ "Chùa Hương" của Nguyễn Nhược Pháp cũng có câu "Chàng đưa tay lẹ bút, Thảo bài thơ liên hoàn, Tấm tắc Thầy khen "Hay", Chữ Đẹp như rồng bay". Và trong bài thơ "Ông Đồ" của Vũ Đình Liên cũng có câu " Bao nhiêu người thuê viết / Tấm tắc ngợi khen tài: “Hoa tay thảo những nét / Như phượng múa, rồng bay”.
Nói đến thư pháp mà không biết Vương Hy Chi thì giống như bàn về Đường thi mà không biết Lý Bạch là ai. Vương Hy Chi sinh năm 303, thư pháp đẹp tuyệt vời, phóng khoáng , phiêu dật. Nhìn lại mấy bức tranh thư pháp của Vương Hy Chi gần 2000 năm trước thấy vô cùng đẹp! Thời đó thư pháp của Vương Hy Chi rất đáng giá và được sưu tầm. Một người nữa vô cùng nổi tiếng là Trương Húc, sinh vào thời nhà Đường. Ông này nổi tiếng về uống rượu và lối viết cuồng thảo, nghĩa là phóng bút nhanh, có nét cuồng trong đó. Chữ vô cùng đẹp, nghe nói là nhờ xem nàng vũ kiếm sư Công Tôn Đại Nương múa kiếm mà có cảm hứng chế ra và phát huy kiểu thư pháp "cuồng thảo" đến mức lâm ly.
Tất nhiên Trích Tiên Lý Bạch, cầm kỳ thi họa đều tinh thông, thì thư pháp cũng rất đẹp. Nhưng cũng không thể so với mấy đại hành gia như Vương Hy Chi và Trương Húc được. Nhiều nhà thơ Trung Hoa thời xưa xem ra đều rất giỏi thư pháp.
Tống Kim Tông (Triệu Cát), là vị vua duy nhất Trung Hoa sáng chế ra một kiểu chữ thư pháp gọi là Sấu Kim Thể vì kiểu chữ này giống như sợi tơ vàng, xoắn và đảo ngược. Ông vua này thông mình tài trí hơn người, cầm kỳ thi họa, ca hát gì cũng tinh thông. Là một danh họa sĩ với những bức tranh phong cảnh, chim chóc, đep tuyệt vời, chỉ là cái gì cũng giỏi, nhưng không có tài trị nước, làm cho mất nước vào tay nhà Kim.
Đường Bá Hổ (Đường Dần) , đời nhà Minh là một nhà thơ thích uống rượu và là một danh họa và thư pháp gia nổi tiếng. Tô Đông Pha thời nhà Tống cũng vậy. Xem ra mấy vị danh sĩ Trung Hoa đều giỏi thư pháp.
Phái nữ thì mình chỉ nhớ trong truyện Kiều có mấy câu khen nét chữ của nàng Kiều và so với "nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế này".
Nàng Ban là Ban Tiệp Dư, văn hay chữ tốt, vài chục năm trươc Dương Lịch, (hơn 2000 năm trước) thời nhà Hán, còn Tạ là Tạ Đạo Uẩn, thời nhà Tấn, là vợ của con trai thư pháp gia Vương Hy Chi.
Đó là vài vị thư pháp gia nổi tiếng của Trung Hoa mà mình còn nhớ. Việt Nam mình thì xưa giờ, trước khi có chữ quốc ngữ, dùng kiểu viết mẫu tự la tinh như bây giờ, thì viết chữ Tàu. Danh sĩ Phan Chu Trinh thế kỷ 19 viết chữ Tàu rất đẹp. Vừa mạnh mẽ, vừa bay bướm. Rồng bay, phượng múa.
Nhưng đó là chữ Tàu. Giờ trở lại tiếng Việt mẫu tự la tinh như bây giờ thì thư pháp Việt chắc cũng chỉ khoảng trăm năm nay thôi. Vũ Hoàng Chương viết bằng cây tăm, thư pháp cũng rất đặc biệt, tuy là cũng không lấy gì làm đẹp nhưng rất đặc biệt.
Việt Nam bây giờ, mấy năm trở lại đây thấy cũng rât nhiều người học thư pháp. Nhất là ở Việt Nam. Chả hiểu vì sao lại như thế. Nước nghèo, mà dân thì lại ham chơi cái thú tiêu khiển này. Nhưng thôi. Nhiều người viết cũng đẹp. Nhưng có điều cũng nhiều người viết nhìn thì thấy chữ viết, bay bướm, trông cũng đẹp. Chỉ là có khi nhiều chữ lại đọc không được, không rõ họ viết cái gì. Thư pháp như vậy thì không có ích lợi gì cả. Nếu cần bản in rõ ràng kèm theo mới đọc được thì tranh thư pháp mất đi ý nghĩa. Màu mè mà không thực dụng.
Xem thư pháp Việt Nam cũng của vài chục người. Cũng hàng vài trăm bức. VT thích nhất, thấy đẹp nhất vẫn là thư pháp của nhà danh họa Vũ Hối và thư pháp của nhà nghệ sĩ Văn Tấn Phước ở Paris. Trong trang mạng truyện Kiều của Vương Thanh, cũng có ít nhiều thư pháp của hai đại hành gia này. Mời vào xem ở đây:
https://thetaleofkieu.lachong.net
Thi họa sĩ, thư pháp gia Vũ Hối là người đầu tiên đưa thư pháp Việt ra thế giới. Thư pháp cua VH người ngoại quốc đều khen ngợi và Ông cũng là một danh nhân thế giới có tên trong tự điển danh nhân thế giới của của Tây phương. Thư pháp của Ông cũng được đưa vào làm kiểu chữ thư pháp Việt trong computer.
Một đại hành gia khác về thư pháp là anh Văn Tấn Phước ở Paris. Cũng có mặt trên FB. Anh vừa là thư pháp gia, vừa là ca nhạc sĩ, và nghệ sĩ ngâm thơ.
VT rất may mắn và vui được quen biết với hai vị đại hành gia thư pháp này và có ít nhiều quà thư pháp hai vị vui tay múa bút viết tặng cho VT.
Những bức tranh thư pháp của cố thi họa sĩ Vũ Hối và của anh Phước, nhìn vào là chỉ thấy một chữ Đẹp! Rồng bay phượng múa. Mà lại rõ ràng, dễ đọc. Giá như mình cũng viết được một nửa, (thôi, một phần năm cũng được,) cái đẹp như thế thì thiệt là thỏa mãn. Có thể vừa khoe thơ bằng thư pháp thì rất khoan khoái. Nhưng thôi, làm người phải biết tri túc. Phóng bút làm thơ cũng vui vui. Không có tài hoa, thôi đành làm tri âm, làm người ái mộ những vị nghệ sĩ tài hoa: thưởng thức tiếng đàn tranh của nàng Jing Xuân , của Ngọc Diện Tiểu Yên Nhiên, tiếng sáo của Phương Phi, thư pháp của anh Văn Tấn Phước, múa bút thành tranh thơ.
Vương Thanh
nhà thơ song ngữ, dịch giả truyện Kiều và Hán thi
20.11.2023
bức tranh thư pháp khách tài hoa là bài thơ VT viết tặng anh Phước , được anh Phước múa bút viết bài thơ.
bức tranh thư họa Vũ Hối là thơ của VT cảm đề thư pháp Vũ Hối, được nhà danh họa Vũ Hối viết tặng lại VT.
bức tranh thứ 3, "sầu đong càng lắc càng đầy" là tranh thư họa cũa Vũ Hối viết câu thơ trong truyện Kiều. Bức tranh này chụp lại từ quyển sách của thi họa sĩ Vũ Hối gửi tặng VT.