Cảm Nhận Về Ngâm Khúc Kỳ Hoa


Vương Thanh

Vài tuần trước, vào chiều Chủ Nhật,  thật bất ngờ và vui sướng khi nhận được món quà văn nghệ của người bạn ở phương xa:  Ngâm Khúc Kỳ Hoa. Tôi chờ đến tối, mới pha một bình trà và mở món quà ra nghe. 

Cho tới hôm nay cũng đã nghe vài mươi lần. Chợt cảm hứng muốn viết cảm nhận của mình về giọng ngâm thơ của bạn tôi, nghệ sĩ HDN với  áng thơ Kỳ Hoa. Để tạ lòng người bạn phương xa đã  tri âm bài thơ của tôi  và diễn ngâm với tất cả tâm hồn của người nghệ sĩ tài hoa.  

Sau phần giới thiệu được mở đầu với câu lục bát mà HDN làm tặng: “Đào nguyên vọng tiếng hát ai / Tiên nga hay vẫn là loài hoa tiên”, là ngâm khúc Kỳ Hoa:

Kỳ hoa sống ẩn trong rừng

Hương thanh vời vợi cho lòng ai say

Giọng ngâm thật khoan thai, từng chữ, từng câu đọng ý, tình.  Thanh âm trong dịu, khi ngâm tới chữ “lòng” thì ngân dài ra, nghe chút gì vời vợi, rồi tới giữa chữ “ai” lại kéo lên cao một chút và  kết bằng hơi “say” men nhạc dịu nồng. 

Gương nga soi chiếu dao đài

Tơ ngà dịu sáng trải dài hiên trăng

Trong nghệ thuật ngâm thơ, thì có câu nên ngâm, có câu không.  Có nhu thế mới làm cho những câu được ngâm thêm phần nổi bật. Câu « gương nga... » được đọc, ngân nga một chút ở cuối câu. Tiếp theo là câu « tơ ngà... » Giọng ngâm ấm dịu, ‘dịu sáng’ lung linh những  sợi tơ trăng, khi  đến chữ « trải dài » thì được kéo dài ra, và đến chữ « hiên » lại được ngân nga cho đến khi chạm vào nàng  « trăng ». 

Nụ hoa sương đọng long lanh

Đẹp như giọt lệ vĩnh hằng Giáng Tiên

Câu “Nụ hoa...” thì HDN đọc, giọng nàng thật trong, và cũng long lanh như những giọt sương đọng trên nụ hoa. Tiếp theo là câu “Đẹp như giọt lệ...” Chữ “như” được ngân dài để chuẩn bị cho những “giọt lệ” sắp trào tuôn. Đến chữ “Giáng” lại ngân lên cao vì giáng “Tiên” vốn là người ở cung trời bị đày xuống trần gian. 

Xa đưa tiếng hát Đào Nguyên

Hay dòng suối nhạc triền miên ngọt ngào

Trong câu “Xa Đưa...”, chữ “xa đưa” được ngâm với nốt cao, và chữ “đưa” được kéo dài  ra, nghe như từ cõi xa xăm vọng về, và  khi  nàng ngâm đến chữ “Nguyên” lại ngân nga một lúc  vì chốn đào nguyên có mấy ai mà không lưu luyến, không muốn rời xa.  Theo sau là câu “Hay dòng suối nhạc...”. Khi ngâm đến “triền miên ngọt ngào” thì có  một chút triền miên mật ngọt trải dài rồi  kết với chữ “ngào”, của ngọt ngào. 

Nhẹ bay muôn cánh hoa đào

Hương hoa vời vợi thấm vào tim ai

Trong câu “Nhẹ bay...”, khi ngâm tới chữ “đào”  âm thanh thật “tròn trịa” và giọng ngâm như hơi có chút gì xót thương, có lẽ là xót thương hoa đào rời cành bay bay trong gió.    Trong câu “Hương hoa...”, khi ngâm hai chữ “vời vợi” nghe thật là vợi êm dịu. Rồi đến chữ “vào” được kéo dài để thấm từ từ vào con tim. Chữ “tim” được ngân nga nối với  chữ  “í” phụ trợ đọc nhè nhẹ, âm thanh từ thấp lên cao để bắc vào chữ “ai” . Ba chữ “vào tim ai” ngâm thật tuyệt vời!

Hồn lâng lâng giữa tỉnh, say

Trên đôi cánh Mộng vượt ngoài thế gian

Trong câu “Hồn lâng lâng...”, chữ “Hồn”, giai âm ở nốt cao, như hồn đang ở trên cao. Chữ “giữa” ngâm ngọt lịm, và chữ “say” lại càng tuyệt diệu, âm thanh kéo dài với nốt thấp, nốt cao, khiến người nghe say ngất theo làn hơi nồng dịu men say.  Trong câu “Trên đôi cánh Mộng..”,  chữ “ngoài” được  ngân nga trải dài tới chữ “thế”, và chữ “thế” giai âm được đưa từ giữa lên cao,  để rồi kết thúc bằng chữ “gian” được ngân nga với giọng thanh dịu, trong như suối reo của nàng nghệ sĩ tài hoa. 

Bồng bềnh mây trắng non ngàn

Tiếng thơ nào vọng trong làn khói sương...

Và bài thơ được kết thúc với câu lục bát “Bồng bềnh mây trắng...”  Nghe xong được một lúc rồi mà dư âm của ngâm khúc qua giọng ngâm của HDN -  giọng ngâm thanh dịu như tơ trăng, ảo huyền như sương khói non Bồng - vẫn còn vang vọng ở trong lòng mãi chưa dứt.  

https://www.youtube.com/watch?v=qN65FVBuZNU


vương thanh

12.12.2023


Prose/Văn       Vương Thanh       H D N