Luật Thơ Việt Căn Bản
Luật thơ Việt được đăng khá nhiều nơi trên mạng và trên các diễn đàn. Những bài viết mà tôi xem qua trên mạng, đều khá dài dòng và trình bày những điều không cần thiết, như là bảng "cửu chương" bằng trắc cho thơ thất ngôn tứ tuyệt hay là bát cú. Hoặc giới thiệu những từ ngữ, khái niệm chỉ thuộc về ngôn ngữ học, rất không cần thiết cho người làm thơ. Cũng không nói những bí quyết làm thơ thất ngôn được rõ ràng, giản dị. Nên mình viết bài này, bạn đọc có thể học biết luật thơ căn bản trong vòng 15, 20 phút.
Thơ hầu như luôn có vần điệu. Vần điệu được tạo nên bởi những chữ có cùng vần với nhau như chữ "hương" và chữ "thương", và thanh bằng, thanh trắc cho mỗi chữ trong câu thơ.
Thanh (Vần) Bằng/Trắc:
Chữ của tiếng Việt có sáu thanh (tones) (sắc, huyền, ngã, hỏi, nặng, và không dấu). Những thanh (tones) này tạo lên sự trầm bổng trong ngôn ngữ Việt. Những dấu á, dấu mũ không tính vào sáu thanh. Sáu thanh đuợc chia làm 2 nhóm, chữ thanh (vần) bằng và thanh (vần) trắc. Chữ vần bằng là chữ có dấu huyền hay là không có dấu. Chữ vần trắc là chữ có dấu sắc, hay dấu hỏi, hay dấu ngã hoặc dấu nặng. Vần điệu của một câu thơ tiếng Việt, tùy theo thể loại thơ, dựa trên sự phối hợp vần bằng/trắc cho mỗi chữ theo đúng vị trí trong câu để tạo nên sự trầm bổng, du dương của câu thơ.
Chữ Cùng Vần (rhyme) và Thông Vận:
Chữ "vần" thường được dùng theo hai nghĩa .
1. chữ thuộc vần bằng (dấu huyền, không dấu) và nhóm chữ thuộc vần trắc (dấu sắc, hỏi, ngã, nặng)
2. chữ cùng vần (rhyme) với nhau (đòi hỏi phải cùng nhóm vần bằng hay nhóm vần trắc), không cần phải vần chan chát: Thí dụ:
a. hoa, nhà, ta, là, mà, ca
b. hồng, long, bồng, hồn, hương , phong
c. em, đêm, xiêm, diêm, mềm, kim, đèn, truyền
d. thắng, lắng , đặng, quạnh, hạnh
e. xanh, minh (thông vận) : xem câu Kiều (phong tình cổ lục còn truyền sử “xanh”/rằng năm gia tĩnh triều minh)
f. trung, dòng, lòng, vương (thông vận): xem câu Kiều (gia tư nghĩ cũng thường thường bực “trung” / một con trai thứ nối “dòng”
Còn nhiều chữ thông vận khác. Xem thơ Nguyễn Bính hay truyện Kiều sẽ biết thêm những chữ nào là vần thông với nhau, không cần phải là vần chan chát với nhau như “em” với “xem”.
Nhịp Điệu trong Thơ:
Nhịp điệu trong thơ làm cho câu thơ khi đọc lên nghe trầm bổng, du dương, hoặc mạnh mẽ, hay nhẹ nhàng, v.v Nhịp điệu trong câu thơ tùy theo câu thơ thuộc thể loại nào, có mấy chữ trong câu, tùy theo mỗi chữ theo vị trí trong câu là dùng vần bằng hay vần trắc. Đi sâu hơn nữa, muốn cho trầm bổng, nghe êm ái hơn, thì còn phải xem nên dùng vần bằng dấu huyền hay vần bằng không dấu, nên dùng vần trắc loại dấu nào (sắc, hỏi, ngã, nặng). Thường thì nhà thơ có thể đọc nhẩm để cảm nhận như thế nào câu thơ mới nghe du dương, êm ái hơn. Nhiều thể thơ đã có sẵn nhịp điệu căn bản, như thể thơ lục bát, tứ tuyệt,… Chỉ có thể thơ tự do là người làm thơ cần phải tự sáng tạo nhịp điệu, như tờ giấy trắng không có kẻ hàng sẵn.
Những Thể Lọai Thơ Việt:
Thể thơ của dân tộc là thể lục-bát, đã có tự ngàn xưa. Lục bát đuợc dùng để truyền bá kinh nghiệm, kiến thức phổ thông, và trở thành ca dao, và lời ru con truyền từ đời này qua đời khác khi người Việt chưa có chữ viết riêng (khi đó chỉ dùng chữ Tàu, mà quần chúng không mấy người biết đọc và viết). Những thể thơ thông dụng khác bao gồm song thất lục bát, thất ngôn tứ tuyệt và thất ngôn bát cú (đường luật) . Hai thể thơ tứ tuyệt và bát cú là từ thời nhà Đường, thế kỷ thứ tám bên Trung quốc truyền sang. Những thể thơ khác không đòi hỏi quy luật bằng trắc, niêm luật gắt gao nên có thể coi như là thơ tự do, tuy nhiên thơ cũng nên có chút vần điệu. Những thể thơ này bao gồm thơ 5 chữ, thơ 6 chữ, thơ 8 chữ, v.v.
Lục Bát:
Thể thơ lục bát thì hầu như ai cũng biết. Đơn vị của thơ là 1 câu 6 chữ và câu 8 chữ tiếp theo. Chữ thứ sáu của câu thơ có tám chữ phải cùng vần với chữ cuối của câu thơ trước có 6 chữ. Và sau đó, trong hàng lục bát tiếp theo, thì chữ cuối của câu thơ có 6 chữ phải cùng vần với chữ cuối của câu thơ có 8 chữ ở câu trên.
Thí dụ:
Trăm năm trong cõi người “ta”
Chữ tài chữ mệnh khéo “là” ghét “nhau”
Trải qua bao cuộc bể “dâu” (truyện Kiều)
Khi làm lục bát thì không ai nghĩ đến bằng/trắc. Nhưng trong thơ lục bát cũng có bằng trắc . Minh nói ra điều này để chứng tỏ bằng/trắc rât quan trọng cho sự trầm bổng trong câu thơ . Trầm bổng đến nỗi làm rất tự nhiên, không cần phải nghĩ đến, khi làm thơ lục bát.
Ta hãy xem mấy câu thơ trên, dùng ký hiệu (B) cho vần bằng, và ký hiệu (T) cho vần trắc cho mỗi chữ trong câu:
Trăm (B) năm (B) trong (B) cõi (T) người (B) ta (T)
Chữ (T) tài (B) chữ (T) mệnh (T) khéo (T) là (B) ghét (T) nhau (B)
Tóm lại, trong câu thơ lục bát, trong câu 6 chữ, hay câu 8 chữ: chữ cuối câu luôn là vần bằng, chữ thứ 2 hầu như luôn luôn là vần bằng, chữ thứ tư hầu như luôn luôn là vần trắc, chữ thứ 6 trong câu 8 chữ luôn là vần bằng. Nếu đối chiếu với bao nhiêu bài thơ lục bát sẽ thấy hầu như tất cả là vậy.
Những ngoại lệ trong thơ lục bát:
Khi ngắt câu thơ 6 chữ thành 2 phần, như là đối chiếu thi không theo quy luật trên. Thí dụ như : Mai cốt cách, tuyết tinh thần (thơ Kiều), chúng ta thấy chữ thứ 2 là vần trắc, chữ thứ 4 là vần trắc. Đây là một ngoai lệ.
Ngòai ra, trong một số dồng dao, ca dao có một số thơ lục bát, thay vì gieo cùng vần tại chữ thứ 6 trong câu 8, lại gieo cùng vần ở chữ thứ 4 trong câu 8. Đây là một biến thể của thơ lục bát.
Cũng cần phải nói, thơ lục bát không cứ nhất dịnh câu nào cũng phải 6 hay 8 chữ. Đôi khỉ trong một bài thơ lục bát cũng sẽ có thay vì 6 chữ, lại là năm chữ, hoặc thay vì tám chữ, có thể 9, hay 10 chữ, … Vẫn gọi là thơ lục bát nếu cấu trúc bài thơ chính yếu là dùng thể lục bát.
Thất Ngôn Tứ Tuyệt:
Thể thơ tứ tuyệt từ bên TQ qua. Thể này 4 câu, mỗi câu 7 chữ. Gồm có những quy luật như sau. Để giản dị hóa, mình sẽ không nói những trường hợp đặc biệt, những "biến thể" của loại thơ này. Quy luật như sau:
1. Chữ cuối câu thơ thứ 2 và chữ cuối câu thơ chót (câu thứ 4) phải cùng vần, và thuộc nhóm thanh bằng (vần bằng)
2. Chữ cuối câu thơ thứ nhất và chữ cuối câu thơ thứ 2 thường là cùng vần với nhau ( như chữ “hoa”, “xa”). Nếu không cùng vần thì chữ cuối câu thơ thứ nhất thuờng dùng thanh (vần) trắc. Thí dụ:
Lác đác lá rơi vàng nẻo “trúc”
Mây pha hồng đỉnh nắng cao nguyên
Một phương trăng ngát hương vương giả
Mấy kiếp thơ sầu buớc trích tiên…
3. Chữ cuối câu thơ thứ 3 thường là khác vần với chữ cuối câu thứ 2, và dùng thanh (vần) trắc
4. Luật bằng / trắc trong mỗi câu: Nếu chữ thứ 2 là vần bằng, thì chữ thứ 4 phải là vần trắc, và chữ thứ 6 là vần bằng (BTB). Nếu chữ thứ 2 là vần trắc, thì chữ thứ 4 là vần bằng, và chữ thứ 6 là vần trắc (TBT) . Chữ thứ 2 trong mỗi câu thơ quyết định bằng trắc cho nguyên câu. Là thuộc dạng (BTB) hay là thuộc dạng (TBT) cho vị trí (2,4,6) trong mỗi câu. Khi làm thất ngôn quen rồi, thì tự nhiên làm sẽ đúng luật, câu thơ nghe êm tai, không còn phải nhớ luật này, chỉ cần quyết định 1 điều: dùng thanh bằng hay thanh trắc cho chữ thứ 2 trong câu.
Những chữ ở vị trí 1,3,5 trong mỗi câu có thể là thanh bằng hay thanh trắc đều đuợc cả. Những chữ trong vị trí thứ 2,4,6 thì nhất đinh phải đúng là vần bằng hay vần trắc theo quy luật BTB hay luật TBT. Đây gọi là luật “nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh” mà những nhà thơ đôi khi nhắc đến. Có nghĩa là chữ thứ 1,3,5 là vần bằng hay trắc không cần bàn tới (bằng trắc sao cũng đuợc); nhưng chữ thứ 2, thứ 4, và thứ 6 phải rõ ràng (đúng theo luật BTB hay TBT).
5. Niêm của thơ. Đúng luật bằng trắc là như đuợc viết ở luật 4 . Còn đúng niêm là sao? Nếu không đúng niêm thì gọi là (thất : sai) niêm. Một lần nữa, lại tùy chữ thứ 2 trong mỗi câu. Giống như luật số 4, đuợc chia làm 2 trường hợp .
Truờng hợp 1: Nếu chữ thứ 2 trong câu thơ đầu tiên thuộc thanh trắc, thì chữ thứ 2 câu thứ 2 thanh bằng, chữ thứ 2 câu thứ 3 thanh bằng, và chữ thứ 2 câu thứ 4 thanh trắc . Thuộc dạng TBBT. Chữ thứ 2 câu đầu tiên quyết định những chữ thứ 2 của những câu sau là thuộc nhóm thanh bằng hay thanh trắc.
Thí dụ:
Chưa gặp (T) em, tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng (B) thiếu nữ đẹp như trăng
Măt xanh (B) lả bóng dừa hoang dại
Thăm thẳm (T) nhìn tôi không nói năng (Đinh Hùng)
Trường hợp 2: Nếu chữ thứ 2 trong câu thơ đầu tiên thuộc thanh bằng ,thì chữ thứ 2 câu thứ 2 phải là thanh trắc, chữ thứ 2 câu thứ 3 thanh trắc, và chữ thứ 2 câu thứ 4 là thanh bằng . Thuộc dạng BTTB.
Thí dụ:
Bài thơ (B) hạnh ngộ đã trao tay
Ôi mộng (T) nào hơn giấc mộng này
Mùi phấn (T) em thơm mùa hạ cũ
Nửa như (B) hoài vọng, nửa như say (DH)
Thất Ngôn Bát Cú (Đường Luật / Bát Cú):
Thể thơ bát cú gồm 8 câu mỗi câu bảy chữ . Trong mỗi một câu đều áp dụng quy luật BTB hay TBT như trong tứ tuyệt. Làm cho đúng niêm thì theo thể (BTTB BTTB) hay là (TBBT TBBT) . Ký tự vừa ghi là theo chữ thứ 2 trong mỗi câu, từ câu thơ đầu tiên đến câu thơ cuối cùng.
1. Thường thì chữ cuối câu 1,2,4,6,8 phải cùng vần với nhau ( như: hoa với nhà ) và là thanh (vần) bằng. Chữ cuối câu thứ 2 quyết dịnh bài thơ đó dùng vần nào. Như trong bài thơ bát cú với 2 câu đầu “Nàng đến lặng thầm như khói sương /Dịu dàng hơi thở ngát thanh hương”, thì bài thơ này dùng vần “hương”.
2. Chữ cuối câu 3, 5,7 là thanh trắc và thường không cùng vần với chữ cuối câu 2, nhưng không bắt buộc phải vậy.
3. Câu thứ 3 và câu thứ 4 là 1 vế đối. Câu thứ 5 và thứ 6 lại là 1 vế đối nữa . Đối là sao : những chữ ở cùng vị trí trong câu đối với nhau : danh từ đối với danh từ, động từ đối động từ, đại danh từ đối đại danh từ, từ kép đối từ kép, hán việt đối hán việt , những chữ tả cảnh đối với nhau, những chữ tả tình cảm đối với nhau, đối càng nhiều càng tốt . Tuy nhiên nếu không đối đuợc từng chữ thì có thể đối 1 cụm từ gồm hai, ba chữ, …
Bát cú khó nhất là làm câu đối. Đôi khi bị bí, người làm thơ có thể nghĩ chữ cuối câu thứ 4 , kiếm chữ cho thích hợp, rồi mới làm câu thứ ba, vì chữ cuối câu 4 phải cùng vần với vần của bài thơ (chữ cuối câu thứ 2). Một bài bát cú của mình.
Mơ Với Chim Bằng
Mơ với chim bằng tung cánh bay
Dọc ngang trời đất một vòng xoay
Tối vào sa mạc coi sao mọc
Chiều xuống thảo nguyên nhặt nắng phai
Uống giọt thủy tinh trên xứ tuyết
Theo vầng minh nguyệt nhập cung mây
Về qua thương hải, ôn hoài niệm
Sóng biển dạt dào, Xưa với Nay … (vương-thanh)
Thơ 5 chữ:
Thơ 5 chữ thường là một thể thơ tự do. Một bài có thể gồm nhiều đọan 4 câu. Không quy luật găt gao bằng trắc. Trong mỗi đọan 4 câu, thường là chữ cuối câu 2,4 cùng vần với nhau. Và chữ cuối câu 1 có thể cùng vần với chữ cuối câu 2, hoặc là theo cách gieo vần khác thì chữ cuối câu 1 cùng vần với chữ cuối câu thứ 3.
Những Thể Thơ Khác:
Nếu Bạn hiểu rõ ý nghĩa của bằng/trắc, chữ cùng vần, thông vận và luật của thơ lục bát, tứ tuyệt, bát cú, thì có thể dễ dàng phân tích vần điệu những thể thơ khác và những bài thơ mà Bạn thích để hiểu cấu trúc và quy luật của bài thơ đó. Thơ 5 chữ, 4 , 8 chữ thuộc loại tự do không có quy luật bằng trắc gắt gao, chỉ cần xem bài thơ gieo vận ở những câu nào, vị trí nào trong mỗi câu thì có thể làm theo dễ dàng.
Vương Thanh
24.09.2017