Chia Sẻ Quan Điểm về Nghệ Thuật Làm Thơ
Vương Thanh
Thời buổi này rất nhiều người Việt làm thơ. Luật thơ trên mạng thì đầy dẫy, nhưng dường như chưa có ai chịu chia sẻ quan điểm về đề tài làm thơ. Nhiều người chỉ nói đọc một bài thơ, mình có cảm xúc thì cho là hay, nhưng lại không có thể nói bài thơ thật hay, hoặc kém ở chỗ nào. Cảm xúc mỗi người thì khác nhau và nhiều khi tùy thuộc tâm trạng người đọc. Như vậy câu nói đọc lên có cảm xúc, cũng không nói lên được gì.
VT làm thơ trên 30 năm. Hôm nay, xin chia sẻ quan điểm của mình về làm thơ, những gì mình nghĩ sẽ làm cho bài thơ Hay hơn. Tuy nhiên, đủ những điểm này chưa chắc đã là bài thơ Hay. Vì thơ hay phải có Hồn.
1. Một áng Thơ Hay nghe Nhẹ Nhàng, Tự Nhiên, như nước chảy mây trôi, không nên nặng nề như tảng đá. Nhưng làm sao cho bài thơ nhẹ nhàng?
1a. Có những từ nghe nặng, thô, có những từ âm thanh nghe nhẹ nhàng, thơ hơn. Như trong thơ sẽ dùng phiến đá, tảng đá thay vì dùng từ "cục đá".
1b. Không nên nói ngược một số cụm từ để gượng ép vần bằng/trắc trong câu thơ. Thí dụ, "ngậm ngùi", không nên viết thành "ngùi ngậm", "cô đơn" không nên thành "đơn cô".
1c. Không dùng những cụm từ hán-việt nổ đôm đốp, không thông dụng. Thơ Việt không ra thơ Việt, thơ Tàu không ra thơ Tàu. Nửa Việt, nửa Tàu chẳng giống ai. Sổ nho chùm là không nên. Nó phá đi cái đẹp, cái nhẹ nhàng của thơ Việt, nhất là lục bát, ...
1d. Tôn trọng luật bằng trắc trong thơ thất ngôn thi câu thơ sẽ nghe du dương nhẹ nhàng hơn, có nhạc điệu , không giống văn xuôi. Đặt chơi mấy câu làm thí dụ:
Đúng Luật:
“Tôi đến (T) phố Nam ( B) môt tối (T) mưa (TBT)
Ghé vào (B) quán rượu,(T) khách lưa (B) thưa” (BTB)
Đọc lên thấy êm tai vì theo nhạc lý, ngắt nhịp 4/3 trong mỗi câu
Sai Luật:
Tôi đến phố Bắc một tối mưa (TTB) sai
Ghé vào quán trà, khách lưa thưa (BBT) sai
Đọc lên ngắt nhip 4/3, hai câu đọc lên nghe như văn xuôi , thiếu nhạc tính
Tuy nhiên, cũng sẽ có những câu thất ngôn đặc biệt dùng toàn thanh bằng cho nhẹ. Đó là do thi sĩ cố tình chứ không phải là không biết luật. Một khi qua trình độ căn bản, dùng luật quen tự nhiên rồi thì phá luật tùy ý sau khi cân nhắc có nên hay không. Luật thơ do người đặt ra, tất nhiên có thể phá bỏ, nếu cảm thấy phá bỏ sẽ hay hơn. Tôn sư võ thuật thì không cần phải theo đúng chiêu thức, tùy ý sáng chế. Nhưng đừng hợm mình là bậc thầy mà múa may loạn xạ.
1e. Câu thơ nghe “Tự Nhiên” không phải là nghĩ gì viết đó, không phải là không trau chuốt! Muốn diễn thuyết tự nhiên mà không ngượng ngập, nhiều người cần thực tập trước gương nhiều lần trước khi lên nói trên sân khấu, thì khi nói mới được tự nhiên. Thơ tự nhiên thì nghe tự nhiên, không lộ vẻ trau chuốt, cho dù chính vì trau chuốt bài thơ, câu thơ mới đuợc tự nhiên. Giống như người chơi đàn giỏi, bắn cung giỏi, bơi lội giỏi. Đều tập dợt rất nhiều. Và Những cử động của họ trong bộ môn của họ đều rât thuần thục, tự nhiên.
2. Lời Hay, Ý Đẹp
a. Người ta hay nói “Đẹp như Thơ”. Thơ là Đẹp, phải có cái Đẹp mới thành thơ. Dù là thơ kêu gọi lòng yêu nước, thơ tả mỹ nhân , thơ về tình yêu, thì cũng đều nên có chất Đẹp. Thơ từ ngữ thô tục thì tất nhiên không đẹp, không hay.
3. Từ, Ý Mới Lạ
Có những ý tuởng mới lạ, làm bài thơ trở nên đáng nhớ, được nổi bật trong ngàn bài thơ khác. Những người chế ra những gì hay ho đầu tiên trong bất cứ ngành nào luôn được kính phục. Nhưng không thể làm bài thơ lập dị với lời lẽ quái đản, để tạo sự nổi bật. Đó chỉ là dị hợm!
Ý tưởng có thể mới lạ. Từ ngữ cũng có thể mới lạ dù là tả một đề tài thông thường. Hoặc là sáng tạo ra những cụm từ mới mà nghe tự nhiên. Văn chương là sáng tạo. Cho nên ý, từ mới lạ rất đựợc coi trọng.
4. Thi trung hữu họa
Thơ mà như một bức tranh có thể làm cho người đọc thấy được những điều người viết diễn tả thì lại càng hay. Trong cảnh có tình, trong tình có cảnh thì lại càng tuyệt diệu. Đây là lý do bài thơ “Em Đi Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp trở thành bất hủ.
5. Thi trung hữu nhạc
Thơ thì phải có vần diệu. Những thể thơ như lục bát, bát cú, song thất lục bát thì sẵn có. Nhưng thể tự do cũng nên có vần điệu, tuy vần điệu phóng khóang hơn, có thể gieo vần ở giữa câu, cuối câu, và đôi khi nối vần diệu từ cuối câu này qua đầu câu sau. Vần thì cũng rât tự do, có thể cách vài ba câu, không có quy luật nhất định. Chỉ cần đọc lên nghe có tiết tấu, có nhịp điệu.
6. Những điểm kỹ thuật khác:
6a. Tránh dùng một chữ, một cụm từ lại hai, ba lần trong một bài thơ. Trừ phi là tạo điệp khúc.
6b. Trong lục bát, những câu lục bát gần nhau nên có vần khác nhau.
6c. Làm cho thơ của mình ý tưởng liền lạc hơn, câu sau không "ngược" ý câu trước, nếu không phải là câu đối. Nhiều người làm thơ, vần điệu có vẻ hay, nhưng thiếu mạch lạc, vì họ "bỏ sót" khá nhiều những "ý tưởng tiếp nối" câu thơ này qua câu khác, mà những ý tưởng tiếp nối này chỉ có trong tâm trí của nhà thơ, chứ độc giả làm sao suy ra được. Có thể thử đổi trong đầu qua văn xuôi coi mình phải bổ túc những gì mới diễn giải được hết ý tưởng của mình để người đọc có trình độ có thể hiểu.
7. Những điều mình vừa viết, có thể luôn có ngoại lệ. Thí dụ như một nhà thơ rất giỏi rồi có thể cố tình làm cho bài thơ mình thi trung hữu họa bằng cách dùng những từ nghe thật "nặng nề" để diễn tả âm thanh, v.v. Có khi có những vần lục bát san sát nhau lại cùng vần để cố tình tạo một ấn tượng gì đó. Nhưng nếu phá những luật nói trên thì nên do sự cố ý, sau khi cân nhắc, chứ không phải thiếu để ý, vô tình bỏ sót.
Vài mươi dòng chia sẻ cảm nghĩ của mình về nghệ thuật làm thơ. Mong là có thể giúp được cho ít nhiều người tăng sự thưởng thức những áng thơ hay.
vương thanh
ngày 15.07.2017